Trong phiên chất vấn trước Thường vụ Quốc hội vào ngày 21/8, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu lên các vấn đề liên quan đến phòng chống hàng giả, hàng nhái, điện, xăng dầu, xuất khẩu, và việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm rõ vấn đề dự trữ xăng dầu, lo ngại về khả năng đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong bối cảnh tiêu thụ tăng cao.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thông tin rằng, Chính phủ đã phê duyệt đề án nâng cao mức dự trữ xăng dầu. Cụ thể, dự trữ xăng dầu thành phẩm sẽ được nâng từ 440.000 m³ lên 800.000 - 900.000 m³, tương đương với việc tăng gấp đôi khả năng dự trữ, từ mức 7 ngày hiện tại lên khoảng nửa tháng. Đề án này cũng bao gồm việc dự trữ dầu thô, nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy lọc dầu trong nước, với công suất dự trữ bảo đảm từ 15 đến 20 ngày nhập ròng.
Về đầu tư hạ tầng xăng dầu và khí đốt quốc gia, Bộ trưởng Diên cho biết, Chính phủ đã phê chuẩn quy hoạch hạ tầng dự trữ và cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, đồng thời triển khai kế hoạch này đến các địa phương. Quá trình này sẽ kết hợp đầu tư từ Nhà nước với đầu tư từ doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, cần có quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài chính phụ trách để làm căn cứ cho các đề xuất về mức dự trữ cụ thể.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, việc điều chỉnh giá thuê hạ tầng là rất quan trọng. Hiện tại, biểu giá thuê quá thấp, chỉ đạt khoảng 15 - 20% so với giá thị trường, không đủ để khuyến khích đầu tư, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, cần thiết phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế và đảm bảo tính khả thi của việc đầu tư.
Liên quan đến việc điều chỉnh và điều hành xăng dầu, Bộ trưởng Diên cho biết, trong hai năm qua, công tác điều hành đã được thực hiện tốt nhờ cơ chế giá đã được điều chỉnh từ 10 ngày xuống 7 ngày. Điều này giúp giảm biên độ dao động giữa giá trong nước và giá thế giới. Thêm vào đó, chi phí thực tế phát sinh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng đã được điều chỉnh từ 6 tháng xuống 3 tháng, và khi có biến động lớn, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ cho phép cập nhật chi phí thực tế để đảm bảo các doanh nghiệp không bị lỗ.
P.V (t/h)