Chính sách của Mỹ và sự giảm tốc của Trung Quốc sẽ tác động chính đến tăng trưởng toàn cầu 2022

21:35 30/11/2021

Nếu chủng COVID-19 mới Omicron Omicron có thể được kiểm soát, 2022 có vẻ vẫn sẽ là một năm đầy thử thách. Các quốc gia sẽ bị siết chặt giữa hai lực lượng kinh tế hùng mạnh: Chính sách tiền tệ thu hẹp của Mỹ và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc có ảnh hưởng bao trùm lên kinh tế toàn cầu. Tổng cộng, hai cường quốc này chiếm đến 40% GDP thế giới tính theo tỷ giá hối đoái thị trường. Tuy nhiên, hai gã khổng lồ này lại có xu hướng tác động đến các nền kinh tế theo những cách khác nhau.

Đối với nhiều nước mới nổi, tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ là con dao hai lưỡi. Hiệu ứng mở rộng của chi tiêu hộ gia đình Mỹ thường bị lẫn át bởi hiệu ứng từ chính sách tiền tệ của nước này.

Việc Mỹ thắt chặt lại chính sách tiền tệ thường gắn liền với việc nhà đầu tư toàn cầu ngại rủi ro hơn. Dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi có xu hướng suy giảm, đồng USD mạnh lên làm giảm dòng chảy thương mại do vai trò của đồng bạc xanh trong thanh toán.

Tác động của Trung Quốc lên thế giới trực tiếp hơn. Trung Quốc là nước đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về tiêu dùng nhôm, than, cotton, đậu nành và nhiều hàng hóa khác, đồng thời là nước nhập khẩu lớn hàng loạt sản phẩm từ rượu cho đến máy móc. Khi Trung Quốc lảo đảo, các nhà xuất khẩu trên toàn thế giới chịu đau.

Năm kế tiếp sẽ không phải lần đầu tiên các nền kinh tế phải chật vật tìm hướng đi giữa hai mối nguy hiểm. Giữa thập niên 2010, các thị trường mới nổi chịu sức ép giữa đồng USD tăng giá khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) rút hỗ trợ tiền tệ, trong khi loạt cải cách tự do hóa thị trường tài chính và thắt chặt tín dụng được thi hành kém khiến kinh tế Trung Quốc hụt hơi. Tăng trưởng của các thị trường mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, giảm từ 5,3% năm 2011 xuống chỉ còn 3,2% năm 2015.

Cú siết lần này có thể còn đau đớn hơn. Trong thập niên 2010, cuộc phục hồi yếu ớt cùng lạm phát thấp dai dẳng buộc Fed hành động từ tốn. Fed phải mất hai năm rưỡi kể từ khi thông báo ý định giảm tốc mua tài sản cho đến lần nâng lãi suất đầu tiên.

Ngược lại lần này, 12 tháng sau khi Fed công bố kế hoạch bắt đầu taper vào tháng 11 nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc chấm dứt hoàn toàn chương trình mua trái phiếu và ít nhất hai đợt tăng lãi suất, theo phỏng đoán của thị trường. 

Ba hiểm họa tới cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu năm 2022 - Ảnh 3.

Về phần mình, Trung Quốc có vẻ đang ở trong nguy cơ hạ cánh cứng lớn hơn 5 năm trước. Lúc đó, Bắc Kinh phản ứng với tăng trưởng chậm chạp bằng cách thông vòi tín dụng, giúp thổi phình bong bóng nhà đất. Kể từ đó thị trường bất động sản tiếp tục vay mượn quá mức và gánh nặng nợ của hộ gia đình và doanh nghiệp cũng đi lên.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Trung Quốc tăng trưởng 5,6% trong năm 2022, mức thấp nhất kể từ 1990 ngoại trừ năm 2020.

Tầm quan trọng của Trung Quốc đối với kinh tế toàn cầu cũng đã gia tăng kể từ những năm 2010. Và thế giới vẫn dễ bị tổn thương với các cú sốc. Phân tích quá khứ cho thấy việc Fed tăng lãi suất được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ của Mỹ có lợi vừa phải cho các nền kinh tế có nền tảng vĩ mô vững chắc. Nhưng đối với những nền kinh tế mỏng manh hơn, hành động của Fed có thể gây ra bất ổn.

Để đánh giá nơi nào chịu cú siết lớn nhất từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ, tờ Economist đã thu thập dữ liệu từ 60 nền kinh tế lớn, cả giàu lẫn đang phát triển. Thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, mức nợ cao, lạm phát tràn lan và dự trữ ngoại hối thiếu hụt đều gây khó khăn cho các nền kinh tế đối mặt với dòng vốn dễ biến đổi khi Mỹ thắt chặt.

Kết hợp các dữ liệu này, Economist tạo ra "chỉ số mức độ nhạy cảm", điểm càng cao thì kinh tế càng dễ bị tổn thương. Áp lực đã xuất hiện tại một số khu vực. Trong số các nền kinh tế lớn đang phát triển, Brazil có vẻ dễ bị tổn thương nhất.

Xếp hạng 60 nền kinh tế trên bởi xuất khẩu sang Trung Quốc tính theo tỷ lệ GDP tạo ra chỉ số nhạy cảm đối với Trung Quốc. Chịu rủi ro lớn hơn cả là các nhà xuất khẩu hàng hóa giúp cung cấp thực phẩm và vật liệu xây dựng cho dân Trung Quốc.

Ba hiểm họa tới cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu năm 2022 - Ảnh 2.

Có thể thấy số phận của một số quốc gia phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn Trung Quốc và ngược lại. Số khác như Brazil và Chile có vẻ dễ phải chịu "cú đấm kép" từ hai cường quốc này.

Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu chính sách tiền tệ của Mỹ làm trầm trọng thêm sự giảm tốc của Trung Quốc. Tuy có kho dự trữ ngoại hối khổng lồ, Trung Quốc đồng thời cũng là điểm đến lớn của dòng vốn ngoại trong hai năm qua, giúp tăng cường giá trị đồng nhân dân tệ. Nợ của Trung Quốc đối với các ngân hàng nước ngoài lên đến gần 1.000 tỷ USD năm 2021. Sự đảo chiều đột ngột của những dòng vốn đó có thể khiến nhân dân tệ lao dốc.

PV