Chính phủ đề xuất 3 dự án cao tốc được áp dụng cơ chế chính sách đặc thù

14:53 06/06/2022

Sáng 6/6/2022, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Việc sớm đầu tư 3 dự án này, theo Chính phủ là hết sức cấp thiết, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7 km qua 2 tỉnh, kết nối thành phố Biên Hòa với cảng biển Cái Mép - Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 04 - 06 làn xe.

Còn dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km qua 02 tỉnh, kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 04 làn xe.

Đối với dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có dài 188,2 km qua 04 tỉnh/thành phố, kết nối thành phố Châu Đốc với cảng biển Trần Đề; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 04 làn xe.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cả 3 dự án đều đầu tư công, sau khi đưa vào khai thác sẽ thu phí để hoàn trả vốn ngân sách nhà nước.

Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Thủ tướng sẽ xem xét phân cấp cho một số địa phương làm chủ quản đầu tư dự án thành phần, dự kiến mỗi địa phương làm cơ quan chủ quản của một dự án thành phần. Địa phương được Thủ tướng phân cấp làm cơ quan chủ quản có trách nhiệm quyết định đầu tư dự án thành phần; bố trí đủ phần vốn đã cam kết tham gia đầu tư dự án bảo đảm tiến độ.

Bộ GTVT thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành sẽ là cơ quan chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở bảo đảm thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các dự án thành phần phân cấp cho địa phương chủ quản đầu tư; tiếp nhận quản lý, vận hành khai thác đối với các dự án thành phần phân cấp cho các địa phương; xây dựng phương án nhượng quyền để thu hồi toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đề nghị áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù như cho phép Thủ tướng, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối 25 với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình, các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định tại khoản này đến khi hoàn thành dự án. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình trên cơ sở đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ GTVT.

Cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc chương trình.

Để đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm và tăng tính chủ động cho các địa phương trong quá trình đầu tư các công trình hạ tầng quốc gia, Chính phủ kiến nghị trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, tương tự cơ chế chính sách đối với Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 44/2002/QH15.

Hiện nay, ngân sách trung ương đang phải cân đối cho nhiều dự án quan trọng quốc gia trong khi, các địa phương là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, tăng nguồn thu từ khai thác quỹ đất, phát triển kinh tế. Vì vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép các địa phương được bố trí một phần ngân sách địa phương để tham gia đầu tư dự án.

PV