Chấp nhận thực tế làm nên nhà lãnh đạo thức thời

22:15 14/11/2021

Khái niệm chấp nhận thực tế đã tồn tại hàng thập kỷ trong triết học và những năm gần đây được áp dụng rộng rãi đối với lĩnh vực tâm lý học khoa học lãnh đạo. Như Carl Jung đã viết: “Chúng ta không thể thay đổi bất cứ điều gì cho đến khi thực sự chấp nhận”.

Các nhà lãnh đạo giỏi đều biết rằng họ không thể chống lại thực tế
Các nhà lãnh đạo giỏi đều biết rằng họ không thể chống lại thực tế. (Ảnh: internet) 

Chấp nhận thực tế tưởng chừng không phải là một kỹ năng có giá trị bởi thông thường ta nghe nhiều về sức mạnh ý chí thách thức thực tế. Ví dụ đáng chú ý nhất là Steve Jobs của Apple đã biến những điều không thể thành có thể. Ông là người truyền cảm hứng bất tận cho hàng trăm triệu nhân viên, khiến họ tin vào những nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi. Mặc dù mang trong mình sức mạnh ý trí vượt trội nhưng những nhà lãnh đạo đôi khi thiếu cân bằng trong chấp nhận thực tế. Jack Welch, tác giả chuyên viết về lãnh đạo doanh nghiệp chỉ ra: “Hãy đối mặt với hiện thực chứ không phải những thứ đã qua trong quá khứ hay mong muốn của chính bản thân bạn”.

Hầu hết các hành vi lãnh đạo kém như tức giận, né tránh, buộc cấp dưới phải im lặng hoặc đồng tình bắt nguồn từ việc nhà cầm quyền không thể chấp nhận hiện thực và vượt qua ranh giới cho phép. Từng có một vị giám đốc điều hành tỏ ra vô cùng phẫn nộ và quát lớn “Tôi sẽ không chấp nhận dự báo kinh doanh này”. Trong những ngày sau đó, các bộ phận đã sửa đi sửa lại dự báo kết quả doanh thu đến khi “có thể chấp nhận được”. Mặc dù các con số được chỉnh sửa lý tưởng hơn trên giấy tờ nhưng tiến độ thực tế không hề thu được kết quả tích cực. Cuối quý, giám đốc điều hành lại tức giận vì thực trạng không khớp với dự đoán ban đầu. Vị CEO này đột ngột sa thải hàng loạt nhân viên liên qua và cắt giảm các khoản đầu tư nội bộ. Có câu nói “Con số không biết nói dối”, quả thực dự báo lần đầu tiên đã cho thấy dấu hiệu cảnh báo nhưng không được chấp nhận, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị tương lai của doanh nghiệp.

Tình huống này diễn ra ở các công ty trên khắp thế giới mỗi ngày, là ví dụ điển hình về một nhà lãnh đạo không hài lòng trước thực tế. Tuy nhiên, để thành công, người đứng mũi chịu sào cho doanh nghiệp cần can đảm để chấp nhận hiện tại, chỉ khi đó, công ty mới có thể thay đổi.

Chấp nhận kết quả

Không gì tồi tệ hơn là một kết quả không như mong đợi. Điều này có thể bao gồm một chiến lược thất bại, hiệu quả tài chính suy yếu hoặc bất kỳ trở ngại nào khác. Cho đến khi các nhà lãnh đạo học cách chấp nhận kết quả, họ sẽ không thể tiến lên phía trước hay dẫn dắt bất kỳ ai. Hãy nhớ rằng không chấp nhận hoặc cố trình tranh đấu hiện thực sẽ chẳng thể nào khiến mọi thứ khác đi. Quan trọng hơn, bạn không tạo dựng được một vị trí vững chắc để thực hiện những thay đổi nhằm ngăn chặn thất bại trong tương lai.

Chấp nhận hoàn cảnh

Sự xuất hiện của Covid-19 hay biến thể Delta đã làm lỡ nhịp của giới doanh nghiệp trên toàn thế giới. Các công ty bỏ lỡ dự án quan trọng, bị trì hoãn quay trở lại làm việc tại văn phòng, thậm chí thâm hụt ngân sách mà không mang lại lợi nhuận. Với tư cách là người lãnh đạo, chúng ta thường phải đối mặt với những hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát. Susan David, tác giả cuốn sách “Linh hoạt trong cảm xúc” lưu ý tầm quan trọng của việc từ bỏ kiềm quyển soát với những gì ngoài tầm với và nhường chỗ cho phản ứng cảm xúc.

Cô viết: “Những nhà lãnh đạo vấp ngã không phải vì họ có suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, đó là điều không thể tránh khỏi nhưng họ bị mắc kẹt trong mớ hỗn độn đó, giống như cá mắc câu. Trong nền kinh tế tri thức thay đổi nhanh chóng và biến chuyển phức tạp, quản lý suy nghĩ và cảm xúc của một người là điều cần thiết để thành công trong kinh doanh”. Thế nhưng, xin đừng nhầm lẫn chấp nhận thực tế là hài lòng với mọi thứ. Thay vào đó, chấp nhận hiện thực mang lại sức mạnh để tiến lên phía trước theo chiều hướng hiệu quả nhất, tích cực nhất.

Chấp nhận thất bại

Không có nhân viên hay đồng nghiệp nào là hoàn hảo nhưng tin tốt là tất cả chúng ta đều có khả năng cải thiện. Mặc dù các nỗ lực thường thấy như xây dựng đội ngũ, tái cấu trúc bộ máy hay tìm kiếm giải pháp là tiền đề quan trọng nhưng tiên quyết vẫn là chấp nhận sự thật để thay đổi. Một nhà lãnh đạo C-Suite từng thừa nhận: “Tôi không muốn sự việc diễn ra theo cách này. Tôi có thể làm gì để bắt đầu lại?”. Khi một nhà lãnh đạo nhận ra chính thất bại của mình, đó là lúc họ được giải phóng để theo đuổi sự phát triển, khám phá những cách thức lãnh đạo mới để nâng cao hiệu quả.

Như tất cả những người bình thường khác, lãnh đạo dù nắm quyền lực cao đến đâu cũng cần đưa ra lựa chọn dựa trên con người thật. Nếu có ai đó trong nhóm không thể cải thiện sau quá trình đào tạo và đáp ứng kỳ vọng, đây cũng là thời điểm bạn phải đưa ra quyết định và chấp nhận hiện thực có lẽ cần tìm một ứng viên khác sáng giá hơn. Chiêu mộ nhân sự mới và phát triển các kỹ năng là những hoạt động chiếm nhiều thời gian, tiền bạc nhất của một doanh nghiệp nhưng kết quả thường thất vọng nhiều hơn là hài lòng.

Nếu bạn là người chú trọng kết quả, bạn sẽ nhận ra đặc điểm của sự “chấp nhận” là thụ động và thường bị hiểu nhầm là “chấp thuận”. Chấp nhận là thừa nhận sự thật và từ bỏ thời gian, công sức, sức lực để lãng phí trong cuộc giằng co với thực tế. Có thể bạn đang tụt hậu sao về doanh thu, có thể đối thủ cạnh tranh đã vượt qua bạn bằng một sản phẩm mới hay đại dịch làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh. Dù đang phải đối mặt với điều gì đi chăng nữa, bạn sẽ chẳng thể nào có tất cả các kỹ năng đủ để chống lại muôn hình vạn trạng các biến đổi bất chợt, “vũ khí” hữu dụng duy nhất lúc bấy giờ là chấp nhận những gì đang diễn ra và sẵn sàng thay đổi mọi thứ để trở nên tốt hơn.

Đức Anh