Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã khuyến nghị các doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu (XK) của Việt Nam cần xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc đầu tư, mở rộng đầu tư, công suất, kế hoạch sản xuất, XK các sản phẩm sang thị trường Mỹ.
Thường trực nỗi lo
Đặc biệt, các DN cần tuân thủ đầy đủ và chặt chẽ các quy định về quy tắc xuất xứ, pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).
Động thái của Cục PVTM là hoàn toàn có lý do, bởi trong tuần thứ ba của tháng 10/2019, phía Mỹ đã đưa ra phán quyết cuối cùng 4 vụ việc liên quan đến biện pháp PVTM mà ở đó có một số quốc gia trong ASEAN.
Đơn cử như Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố quyết định cuối cùng vụ việc điều tra về chống bán phá giá đối với việc nhập khẩu thép sợi carbon và thép hợp kim từ Thái Lan. Theo kết luận, các nhà XK từ nước này đã bán phá giá thép sợi carbon và thép hợp kim với biên độ phá giá là 20,83%.
Hoặc như việc DOC đã công bố quyết định cuối cùng vụ việc điều tra về thuế chống bán phá giá đối với A-xê-ton nhập khẩu từ Singapore và Tây Ban Nha. Theo đó, DOC cho rằng các nhà XK từ các quốc gia này đã bán phá giá sản phẩm nói trên vào thị trường Mỹ với biên độ phá giá tương ứng ở mức 66,42 – 131,75% và 137,39 – 171,81%.
Đây được cho là chuỗi nối dài kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, DOC đã khởi xướng 184 vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp mới.
Trong khi đó, tăng trưởng XK của Việt Nam vào Mỹ từ đầu năm đến nay là rất cao, hiện Mỹ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam. Riêng 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK của Việt Nam vào Mỹ tăng đến 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 44,86 tỷ USD.
Bên cạnh sự lạc quan của DN khi XK vào thị trường này vẫn thường trực nỗi lo về các biện pháp PVTM của Mỹ khi nhìn từ động thái của DOC qua những vụ việc gần đây.
Mặt khác, việc một số DN nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến XK có thể sẽ khiến cho phía Mỹ “để mắt” chiêu thức lẩn tránh xuất xứ.
Chẳng hạn liên quan vụ gần 2 triệu tấn nhôm Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có nguy cơ giả mạo xuất xứ để xuất đi Mỹ, chia sẻ với giới báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã cảnh báo là cần tránh nhập nguyên liệu từ các nước, vùng lãnh thổ đang bị phía Mỹ đánh thuế cao để sản xuất hàng XK sang Mỹ.
Phân tích từ biểu đồ các vụ việc lẩn tránh thuế với hàng XK của Việt Nam thời gian qua, Cục PVTM cho rằng các sản phẩm bị điều tra chủ yếu là các mặt hàng như nhôm, thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử, thuỷ sản, gỗ ván ép, lốp xe, pin mặt trời…
DN Việt vẫn thường trực nỗi lo các biện pháp PVTM của Mỹ |
Tăng cường cảnh báo
“Hàng hóa thường bị cáo buộc nhập khẩu nguyên liệu chính từ nền kinh tế đang bị Mỹ áp thuế PVTM, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây gồm cả cáo buộc nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ”, Cục PVTM cho biết.
Xét về nguyên nhân khách quan của tình trạng này, theo giới chuyên gia, quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) còn chưa rõ ràng, dư thừa công suất ở một số ngành hàng, xung đột thương mại, cơ chế tự chứng nhận C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa), vấn đề hội nhập của các DN Việt, chuyên môn hoá theo chuỗi.
Còn về mặt chủ quan, đó là công tác cấp C/O. Giới chuyên gia cho rằng khó khăn lớn nhất như thị trường Mỹ là việc áp dụng chế độ tự chứng nhận xuất xứ, tức là không yêu cầu DN xuất trình C/O do cơ quan có thẩm quyền của nước DN cấp. Do C/O không phải là chứng từ bắt buộc, DN được tự khai và tự chịu trách nhiệm với hải quan nước nhập khẩu.
Đó còn là do chính sách giám sát, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhận thức của DN, thiếu thông tin cảnh báo, vấn đề phát triển ngành. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục tăng cường cảnh báo, kiểm tra chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ.
Về phía cơ quan chức năng và DN cũng cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra nước ngoài; đồng thời hoàn thiện khung pháp lý để ngăn ngừa hành vi lẩn tránh, như Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định 10/2018.
Theo nhóm nghiên cứu Nguyễn Tuấn Vũ, Trần Thị Thuận Giang (Đại học Luật Tp.HCM), về bản chất, quy tắc xuất xứ được coi là một rào cản thương mại, được Nhà nước sử dụng một biện pháp “bảo hộ ẩn” để bảo vệ sản xuất trong nước.
Nếu thuế quan “thiên vị” hàng hóa một nước khác, thì quy tắc xuất xứ lại có thể giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, như một cách thức để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước khỏi sự gia tăng số lượng hàng nhập khẩu.
Điều cần làm hiện nay để ngăn ngừa các biện pháp PVTM từ phía Mỹ là các cơ quan chức năng tăng cường cảnh báo, kiểm tra chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ. Đặc biệt là cần tăng tuyên truyền đến các DN về những quy định pháp luật liên quan việc này.
Thế Vinh