![]() |
Cần kịch bản ứng phó linh hoạt cho ngành nông lâm thủy sản |
Trước những thay đổi ngày càng rõ nét trong chính sách thuế quan từ phía Hoa Kỳ, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã công bố dự báo mới nhất về triển vọng xuất khẩu ngành nông lâm thủy sản Việt Nam trong năm 2025. Bản dự báo đưa ra ba kịch bản khác nhau, tương ứng với các mức thuế mà Hoa Kỳ có thể áp dụng, đồng thời đề xuất loạt giải pháp nhằm giúp ngành duy trì sự chủ động, linh hoạt và khả năng thích ứng trong bối cảnh biến động.
Trong kịch bản đầu tiên, nếu mức thuế 10% được Hoa Kỳ duy trì đều trong suốt năm 2025 và áp dụng đồng loạt cho các quốc gia, tác động đến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng ngành nông nghiệp được đánh giá là không quá đáng kể. Tuy nhiên, nếu hai bên đạt được thỏa thuận sau thời gian hoãn áp dụng thuế và thống nhất ở mức 20%, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm có thể giảm tới 20%. Mức sụt giảm này sẽ khiến tăng trưởng toàn ngành có thể giảm từ 0,15 đến 2 điểm phần trăm, dao động trong khoảng 3,8% đến 3,85%.
Đáng lo ngại hơn là viễn cảnh Hoa Kỳ vẫn quyết định áp mức thuế cao nhất, lên tới 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trong trường hợp này, xuất khẩu nửa cuối năm 2025 có thể giảm mạnh tới 40%, kéo theo mức giảm tăng trưởng toàn ngành từ 0,3 đến 0,4 điểm phần trăm, còn khoảng 3,6% - 3,8%.
Để ứng phó, Viện kiến nghị cần thúc đẩy đối thoại với phía Hoa Kỳ nhằm tìm kiếm cơ chế giảm thuế hoặc miễn thuế cho các mặt hàng nông sản chiến lược. Đồng thời, việc đảm bảo minh bạch trong truy xuất nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa cũng là yêu cầu then chốt để củng cố lòng tin từ đối tác.
Bên cạnh các giải pháp ngoại giao, Viện cũng đề xuất một số biện pháp hỗ trợ trong nước mang tính cấp thiết. Cụ thể, cần xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân đối với các hộ sản xuất – kinh doanh nông lâm thủy sản. Ngoài ra, việc hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được triển khai nhanh, tuy trong thời gian ngắn nhưng phải đủ mạnh để giúp doanh nghiệp thích nghi và vượt qua giai đoạn khó khăn.
Về mặt lâu dài, ngành nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm thông qua nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh. Đây cũng là trọng tâm được nêu rõ trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Song song đó, việc kiểm soát chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ thị trường Hoa Kỳ cần được đẩy mạnh, đặc biệt trong bối cảnh các rào cản kỹ thuật ngày càng cao.
Đa dạng hóa thị trường là một trong những giải pháp chiến lược được nhấn mạnh. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Trung Quốc, ASEAN, Hoa Kỳ và EU, Việt Nam cần mở rộng hơn nữa sang các khu vực tiềm năng như khối BRIC, Mỹ Latinh, châu Phi, cũng như một số thị trường mới có nhu cầu cao về thực phẩm Halal. Việc khai thác sâu và rộng các thị trường này sẽ giúp ngành nông lâm thủy sản giảm phụ thuộc vào một số thị trường lớn, đồng thời tăng khả năng chống chịu trước các biến động chính sách toàn cầu.