Kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật
Theo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nền kinh tế Việt Nam năm 2018 chứng khiến không ít những thành tựu, đặc biệt ở việc duy trì mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm cũng như giữ lạm phát ở mức thấp dưới ngưỡng Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, những thành công kể trên đang dựa trên một nền tảng vĩ mô còn thiếu chắc chắn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu hay việc làm ngày càng phụ thuộc vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với mức lợi ích ít nhưng rủi ro lớn về môi trường, và sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh với khu vực trong nước.
Thứ hai, khối doanh nghiệp tư nhân chưa lớn mạnh và còn chịu nhiều rào cản từ môi trường thể chế và kinh doanh trong nước.
Thứ ba, dư địa chính sách tiền tệ dần bị thu hẹp bởi sức ép lạm phát gia tăng cũng như bởi những cam kết đối với tỷ giá. Và cuối cùng, chính sách tài khóa không tạo nên những thay đổi tích cực trong cơ cấu thu ngân sách, trong khi nợ công cao, thâm hụt ngân sách và khối tài sản nhà nước ngày càng giảm. Điều này có nghĩa là Việt Nam đang thiếu “đệm tài khóa” để đối phó với các cú sốc bên ngoài.
Trước những vấn đề tồn đọng đó, VEPR cho rằng, đầu tiên Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục đặt trọng tâm cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và khắc phục thiếu sót trong nước, cũng như tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ưu tiên hàng đầu là điều hành tỷ giá linh hoạt, nhằm hấp thụ bớt tác động từ các cú sốc bên ngoài. Lãi suất nên được giữ mức ổn định tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn.
Lạm phát cả năm 2019 được dự báo sẽ trở nên khó kiểm soát hơn
Cũng theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), năm 2019, ngay trong những tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, do động lực từ bên trong và bên ngoài thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế đang yếu dần.
Trong bối cảnh đó, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) dự báo hai kịch bản tăng trưởng. Cụ thể, trong kịch bản thứ nhất, tăng trưởng của nền kinh tế dự báo đạt mức thấp 6,56%, xấp xỉ mục tiêu của Quốc hội đề ra. Kịch bản này có thể xảy ra khi các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi, do tác động từ sự gia tăng căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đem đến những sức ép mới, khiến Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ thị trường Trung Quốc, gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.
Ngoài ra, các nước khác cũng muốn chớp cơ hội từ cuộc chiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc, nên việc Việt Nam tăng xuất khẩu sang hai thị trường này không phải là điều dễ dàng.
Ở kịch bản thứ hai, VEPR cho rằng là khả thi hơn với mức 6,81%, đạt mục tiêu của Quốc hội. “Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra, nhờ dư địa động lực tăng trưởng của 2018, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất của Chính phủ, thể hiện với mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính gồm công nghiệp và dịch vụ”, Báo cáo của VEPR cho biết.
Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực chuyển mình trên lĩnh vực thương mại quốc tế. Điều đó được thể hiện trong quý 1/2019 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước cao hơn của khối doanh nghiệp FDI. Đây là điều khác biệt so với xu thế nhiều năm trước bởi doanh nghiệp FDI luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn doanh nghiệp trong nước.
Về mức giá chung, lạm phát cả năm 2019 được dự báo sẽ trở nên khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng có thể lên tới 4 - 5%. Theo đó, trong kịch bản đầu tiên, với hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến, lạm phát chỉ đạt mức 4,21%. Trong kịch bản thứ hai, lạm phát cả năm ở mức 4,79%, cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội.
Để kiềm chế lạm phát, VEPR cho rằng, các cơ quan điều hành sẽ cần phải tiếp tục theo sát diễn biến giá cả trong nửa sau của năm. Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng với việc điều tiết cung tiền, lãi suất và tín dụng trong thời gian tới nếu muốn duy trì mức lạm phát không vượt khỏi mức mục tiêu.
Minh Ngọc