Cần gỡ 4 “nút thắt” trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

23:55 17/05/2022

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc xác định giá trị của doanh nghiệp thời gian qua còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí. Đây cũng là “nút” mắc nhất thời gian trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ ra 4 “nút thắt” lâu nay cản trở, làm chậm tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, “Nút thắt” đầu tiên được Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu lên là: tiến độ chậm, chưa đạt kết quả đề ra theo đề án mà Chính phủ đã ban hành.

Gỡ  4 “nút thắt” trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước
Gỡ 4 “nút thắt” trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

“Nút thắt” thứ hai là nguồn thu cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu. “Riêng năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ cổ phần hóa 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm thu chưa đầy 2.000 tỷ đồng, tức là cổ phần hóa rất chậm”- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhìn nhận.

“Nút thắt” thứ ba là việc xác định giá trị của doanh nghiệp thời gian qua còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí.

Đây cũng là “nút” mắc nhất thời gian trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ trường Tài chính phân tích, việc tính giá trị một lần không sát giá thị trường; ngoài ra, dù có sát thị trường thì sau 10 năm, 20 năm, giá trị lại khác… Đây là lỗ hổng gây thất thoát, chưa nói đến việc nộp tiền thuê đất một lần thì doanh nghiệp cổ phần hóa có thể chuyển quyền sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác…

Theo Bộ trưởng, việc xác định giá trị doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, việc xác định giá trị của doanh nghiệp thời gian qua còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí. Sau khi kiểm toán thì giá trị tăng lên nhiều lần, bình quân tăng 2,8 lần. Điều này cho thấy xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác mà rủi ro lớn nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất.

“Chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến xác định giá trị sử dụng đất không chính xác, dẫn tới thất thoát”- Bộ trưởng Tài chính nói.

Cái “nút” thứ tư là vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua quyết tâm chưa cao nên tiến độ chưa đạt yêu cầu.

Ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng; trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch). Về thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020 đạt 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Văn Đức, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong số đó có nguyên nhân chủ quan từ tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; đa số các tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa...

PV