Tăng liên tục khi giá phân thế giới đạt kỷ lục
Theo đánh giá của ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón trong nước tăng mạnh phần lớn do chịu tác động từ thị trường phân bón thế giới. Trong đó, một phần nguyên nhân là giá dầu tăng đã đẩy giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng.
Ngay sau khi cuộc chiến Nga - Ukraine bùng nổ, giá phân đạm urê trên thị trường đã tăng 25%. Nửa đầu tháng 3/2022, giá phân bón trong nước đã tăng thêm 300 - 700 đồng/kg tùy loại và đây là đợt tăng giá lần thứ 3 từ đầu năm.Theo nhiều dự báo, giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng khi chiến sự Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại. Nga chiếm vai trò quan trọng trong tổng nguồn cung phân bón trên toàn thế giới và trên 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Vì vậy, tác động từ chiến tranh giữa Nga - Ukraine đang khiến giá phân bón thế giới biến động mạnh.
Đáng chú ý, Nga và Trung Quốc- 2 quốc gia chiếm lượng lớn phân bón XK trên toàn cầu đã quyết định hạn chế XK phân bón hóa học để ngăn chặn sự thiếu hụt trên thị trường nội địa và dẫn đến tăng giá. Cụ thể, Trung Quốc đã kiểm soát XK 29 loại phân bón từ ngày 15/10/2021. Trong khi đó, ngày 17/11/2021, Nga hạn chế XK phân bón nitơ và phân bón tổng hợp chứa nitơ trong 6 tháng để cố gắng kiềm chế sự tăng giá trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao.
Được biết, hiện 100% phân kali (MOP) ở Việt Nam dựa vào nguồn hàng NK. Thời gian tới, mặt hàng kali từ Nga và Belarus sẽ tạm thời không có mặt tại Việt Nam, thay vào đó sẽ là kali từ Canada và Israel, trong khi đó Nga và Belarus chiếm hơn 40% lượng kali NK của Việt Nam. Dự báo, giá kali ở Việt Nam sẽ tăng do lo ngại nguồn cung kali bị thắt chặt trên thị trường thế giới do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga và Belarus cũng như căng thẳng Nga - Ukraine.
Cần tạm ngừng xuất khẩu để hạn chế đà tăng giá?
Trong khi giá phân bón trong nước ngày càng tăng cao, Việt Nam lại liên tục XK lượng lớn phân bón. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2021, Việt Nam XK trên 1,35 triệu tấn phân bón, thu về 559,35 triệu USD, tăng 16,4% về khối lượng và tăng 64,2% về trị giá so với năm 2020. Tiếp đó ngay 2 tháng đầu năm 2022, lượng phân bón XK của cả nước đạt 352.672 tấn, thu về gần 241,68 triệu USD, tăng mạnh 69,9% về lượng và tăng tới 280,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá XK trung bình đạt 685,3 USD/tấn, tăng 124% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Vũ Duy Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam, nguyên nhân khiến giá phân bón trong nước tăng cao không chỉ do ảnh hưởng bởi chiến sự Nga-Ukraine, tình trạng này còn xuất phát từ yếu tố chênh lệch cung-cầu trong nước. Ông Hải phân tích: “Trong bối cảnh giá thế giới tăng rất mạnh, đặc biệt là sau khi Trung Quốc và Nga hạn chế XK phân bón, hiện nhiều DN Việt đã tận dụng thời cơ để XK. Việc này dẫn đến nguồn cung trong nước thiếu. Khi đó, DN tiếp tục nâng giá bán “té nước theo mưa” để được lợi cả đôi đường”.
Để “hạ nhiệt” giá phân bón, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam cho rằng, Chính phủ cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngừng XK. Giải pháp này là khả thi khi hiện nay gần 100% thị phần phân bón XK nằm trong tay các DN Nhà nước.
Theo ông Vũ Thắng, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý phân bón, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hiện nông dân đang đối mặt nhiều khó khăn vì giá phân bón cùng hàng loạt chi phí tăng cao từ năm 2021 đến nay. Để tiết giảm chi phí, nông dân nên sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ, nên tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có như phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh việc hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối, hiệu quả, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ.
Tương tự, ông Phùng Hà cũng bày tỏ quan điểm: Trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine còn căng thẳng, giá phân bón thế giới tăng cao, cần thiết phải có biện pháp tạm ngừng XK phân bón để ổn định tâm lý sản xuất trong nước. Ngoài ra, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam khuyến cáo các DN cần chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ thị trường Nga và Belarus, đặc biệt là phân kali. Cùng với đó, nông dân cần tăng cường ứng dụng các giải pháp sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý hơn.
Đình Lợi