
Cải tổ chính sách visa tạo sức hút của điểm đến mang tầm quốc gia
"Chính sách thị thực là cầu nối để du khách nhìn nhận một điểm đến có thật sự hấp dẫn hay không. Và độ mở chính sách visa là một tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch và lữ hành của điểm đến", PGS - TS. Phạm Hồng Long - ĐH KHXHNV chia sẻ.

Theo Báo cáo xếp hạng Chỉ số năng lực phát triển Du lịch và lữ hành (TTDI) năm 2021 được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 24/5/2022. Trong đó, du lịch Việt Nam đã có bước cải thiện lớn khi tăng lên 8 bậc từ vị trí 60 trước đó lên vị trí 52/117 quốc gia được xếp hạng, mức tăng của Việt Nam là cao nhất trong số các quốc gia được tăng hạng. Các chỉ số được đánh giá cao nhất của Việt Nam là có giá cả cạnh tranh (hạng 15), an ninh an toàn (hạng 33), cơ sở hạ tầng giao thông mặt đất và cảng hàng không (hạng 15). Ngoài ra, Việt Nam cũng ghi điểm bởi tài nguyên môi trường thiên nhiên (hạng 24), tài nguyên giải trí và nghỉ dưỡng (hạng 29).
Báo cáo cũng chỉ ra một số điểm yếu của Việt Nam như độ mở cửa du lịch (hạng 69), hạ tầng du lịch (hạng 86), mức độ ưu tiên cho du lịch (87) và môi trường bền vững (94).
"Điều đó cho thấy, mức độ mở cửa du lịch liên quan đến visa, hộ chiếu hay các thủ tục hành chính, thủ tục mềm để vào Việt Nam còn hạn chế", ông Long khẳng định.
Đây là mong muốn của hầu hết doanh nghiệp du lịch cũng như du khách khi vẫn còn những rào cản để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Thay vì chọn Việt Nam làm điểm đến, du khách sẽ chọn các nước có chính sách thông thoáng hơn về visa.
Ông Long chỉ ra rất nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã dùng nhiều chính sách đòn bẩy khác nhau liên quan đến chính sách thị thực.
Có thể kể về Malaysia: Năm 1996, chương trình “Silver Hair Programme” (Chương trình Tóc Bạc) cho du khách ở độ tuổi nghỉ hưu được Bộ Du lịch Malaysia quảng bá rầm rộ với thời hạn visa lên tới 10 năm. Năm 2002, chương trình này đổi thành “Malaysia My Second Home”, mở rộng cho đối tượng từ 21 tuổi trở lên. Sau Covid, để thu hút các “ông trùm toàn cầu”, Malaysia đã ban hành chính sách “Thị thực đặc biệt” với thời hạn đến 20 năm khi đáp ứng đủ các điều kiện về thu nhập. Malaysia hiện miễn visa cho công dân 162 quốc gia. Năm 2019, nước này đón hơn 26 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2022, ngành du lịch Malaysia đón hơn 7 triệu lượt khách quốc tế, gấp đôi Việt Nam.
Singapore cũng là đất nước có chính sách thị thực hấp dẫn hàng đầu thế giới khi miễn visa cho công dân 162 nước, trong khi công dân của những nước còn lại có thể xin e-visa nhanh chóng với đa dạng các loại hình từ ra vào 1 lần đến nhiều lần trong thời hạn 2 năm. Với thị thực được chấp thuận, du khách nước ngoài có thể lưu trú tại Singapore trong thời gian lên đến 90 ngày và có thể tiếp tục gia hạn thêm từ 30 đến 89 ngày. Gần đây, dựa trên xu thế hút dòng khách cao cấp và giới chuyên gia quốc tế, Singapore công bố chính sách “Visa tinh hoa” với thị thực có thời hạn 5 năm kèm theo quyền được lao động tại quốc gia này.
Chính sách thị thực thông thoáng, tỉ lệ phục hồi du lịch năm 2022 của Singapore xấp xỉ 30%, trong khi tỷ lệ này của Việt Nam là 18,1%. Dự báo, ngành du lịch Singapore sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024.
Hiện nay, chính sách thị thực của Việt Nam có nhiều hạn chế so với các quốc gia trong khu vực. Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thực hiện cấp thị thực điện tử cho 80 quốc gia, nhưng chỉ có 34 cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần. Đây thực sự là một “rào cản” đối với ngành kinh tế xanh.
Theo ông Long, điều cốt yếu để hấp dẫn du khách quốc tế hiện nay là phải ngay lập tức có những thay đổi về chính sách visa. "Chúng ta cần mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa (các nước ở châu Âu, Úc, New Zealand, Canada), kéo dài thời hạn visa lên 30 - 45 ngày và cho phép khách được phép nhập cảnh nhiều lần sẽ là động lực lớn đối với người nước ngoài đang muốn đi du lịch đến Việt Nam. Thậm chí với các thị trường có mức chi tiêu cao như Đức, Italia, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển… chúng ta có thể tăng số ngày lưu trú của họ lên 3 tháng, vì khách càng ở lâu càng chi nhiều tiền. Đồng thời, việc cấp visa điện tử nên được mở rộng cho tất cả các quốc gia cùng một hệ thống đơn giản, nhanh chóng, thân thiện hơn với người dùng".
Bên cạnh đó, thủ tục visa tại chỗ cũng cần phải được quan tâm triển khai để tạo sự thuận tiện cho du khách. Với đa phần du khách, họ không ngại mất phí, điều họ quan tâm là thủ tục có thông thoáng, nhanh gọn hay không.
Đại tá Đặng Tuấn Việt - Phó cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an - cho rằng, chính sách thị thực (visa) hiện tại của Việt Nam đã được đánh giá là thông thoáng, thuận lợi cho người nước ngoài.
Cụ thể, công dân 13 nước được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam với thời gian lưu trú 15 ngày không phân biệt mục đích. Sau thời gian này, các cơ quan công an có thể gia hạn tạm trú không giới hạn trong 15 ngày. Tuy nhiên, qua thống kê của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, không có nhiều khách du lịch đề nghị gia hạn tạm trú.
Bên cạnh đó, người nước ngoài vào khu du lịch, khu kinh tế cửa khẩu thì được miễn thị thực trong 30 ngày. Như vậy, khách quốc tế, có thể vào các khu vực này bất kỳ lúc nào cũng được. Đồng thời, Việt Nam đã thực hiện cấp thị thực điện tử (eVisa) có thời hạn tạm trú 30 ngày. Khách nước ngoài chỉ cần sử dụng điện thoại hay máy tính đăng ký vào cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và khai thông tin là được. Mức phí eVisa là 25 USD nộp vào tài khoản trực tiếp của Bộ Tài chính. Sau thời gian 3 ngày, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh sẽ trả kết quả trên online.
“Người nước ngoài không cần gặp ai, không cần chứng minh tài chính, không cần trả thêm chi phí gì khi xin eVisa”, Đại tá Đặng Tuấn Việt nhấn mạnh.
Thanh Hà t/h
- Lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động đang giảm rất mạnh
- Lượng tiền mặt của Bộ Tài chính Mỹ còn thấp hơn hàng chục tỷ phú
- Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục mạch thua lỗ trong quý đầu năm
- Thí điểm dùng ứng dụng VNeID làm thủ tục bay trong nước từ 1/6
- Điều gì khiến Việt Nam ngày một thu hút các ông lớn bán dẫn Hàn Quốc?
Cùng chuyên mục


TS Vũ Minh Khương: Xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh nhiệm vụ cấp bách

Chuyên gia kinh tế - TS. Doãn Hữu Tuệ: Cần ưu tiên vốn cho doanh nghiệp sản xuất

Đầu tư vào lực lượng lao động là yếu tố quan trọng để đạt được tăng trưởng bền vững

Kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia: Điểm nghẽn đầu tiên là thể chế

TS. Vũ Tiến Lộc: Giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án đang là lựa chọn tất yếu của doanh nghiệp
-
TS. Đinh Thế Hiển: Không có làn sóng mới của dòng tiền đầu tư vào thị trường bất động sản năm 2024
-
TS Vũ Minh Khương: Xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh nhiệm vụ cấp bách
-
Chuyên gia kinh tế - TS. Doãn Hữu Tuệ: Cần ưu tiên vốn cho doanh nghiệp sản xuất
-
Đầu tư vào lực lượng lao động là yếu tố quan trọng để đạt được tăng trưởng bền vững
-
Kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia: Điểm nghẽn đầu tiên là thể chế