Cải cách "hệ sinh thái kinh doanh" còn rất nhiều điểm nghẽn cần xóa bỏ

08:23 22/01/2021

Mặc dù Việt Nam đã có những cải cách về môi trường kinh doanh, song khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam so với nhóm nước ASEAN 4 đang ngày càng cách biệt...

 

(Ảnh: Internet)

Nhiều điểm nghẽn cần xóa bỏ

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết, đến hết năm 2019, hơn 30 văn bản về điều kiện kinh doanh được ban hành; cắt giảm hơn 50% số điều kiện kinh doanh (theo báo cáo của các bộ).

Về cơ bản, các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ.

Cùng với đó, điều kiện kinh doanh trùng lặp được cắt bỏ; chuyển điều kiện kinh doanh sang quản lý theo quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn Việt Nam.

Hơn nữa, một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi theo hướng giảm bớt yêu cầu, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; tạo xu hướng xây dựng pháp luật minh bạch; cẩn trọng trong ban hành các quy định; có sự giám sát của nhiều bên; tiếng nói và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp được ghi nhận tốt hơn.

Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, nâng cao chất lượng kinh doanh vẫn còn nhiều dự địa để cải thiện, hiện, vẫn còn điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy ý của cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó, thực tiễn thực thi và cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh còn hạn chế.

Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, về cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn nặng về đơn giản, cắt giảm chưa mạnh mẽ, quyết liệt. Về kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều thách thức. Cải cách tư pháp còn nhiều khó khăn. Việc thực hiện Nghị quyết tại các địa phương vẫn còn lúng túng. Chỉ số gia nhập thị trường có tăng nhưng cần có sự đột phá….

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghệp, ông Đinh Việt Thanh, chuyên gia Pháp chế của Tổng Công ty May 10 đã mạnh dạn bày tỏ vướng mắc mà doanh nghiệp ông gặp phải khi làm việc với các cơ quan nhà nước.

“Khi doanh nghiệp chúng tôi gặp vấn đề về giấy phép, đến hỏi Bộ này thì lại chỉ sang Bộ kia”, ông Đinh Việt Thanh nói. “Doanh nghiệp gửi lên tận Chính phủ thì Chính phủ lại giao trả văn bản cho các Bộ tự trả lời. Doanh nghiệp mong muốn tháo gỡ được điểm nghẽn này”.

Còn Bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH TM và DV Nông nghiệp Văn Đô phàn nàn về việc chậm ứng dụng trong thanh toán điện tử và hóa đơn điện tử mà bà gặp phải trên đường đi công tác.

(Ảnh: Internet)

 “Tôi nghe trong nội dung cải cách nói đến việc ‘hạn chế, không dùng tiền mặt’. Nhưng hôm Chủ nhật vừa rồi tôi đi từ Bắc Giang về Lạng Sơn, cả 4 cây xăng không một cây nào chấp nhận thanh toán bằng thẻ”, Giám đốc Trịnh Tú Anh nói.

Theo nữ doanh nhân này: “Trong quá trình mua hàng, doanh nghiệp chúng tôi gặp khó khăn vì nhiều nơi không chấp nhận thanh toán bằng thẻ. Người ta lấy lý do “máy quẹt thẻ bị hỏng’ để không xuất hóa đơn điện tử. Hóa đơn điện tử rất minh bạch và chống lại được việc trốn lậu thuế. Không hiểu sao Tổng Cục Thuế lại kéo dài việc này để gây ra điểm nghẽn cho hoạt động kinh doanh. Đó là điều tôi muốn kiến nghị”.

Nhóm giải pháp giúp cải thiện môi trường kinh doanh

Nhằm nâng cao hiệu quả trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đại diện CIEM đưa ra 4 nhóm giải pháp bổ sung tại Nghị quyết 02. Thứ nhất, cần giải quyết các vướng mắc, bất cập tạo ra đối với doanh nghiệp, người dân do sự thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.

Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung đảm bảo các nguyên tắc: phân định trách nhiệm rõ ràng, minh bạch; trong một bộ, ngành thì chỉ có một đầu mối quản lý đối với một mặt hàng; kết nối, chia sẻ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Thứ hai là chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Thứ ba là thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững: đầu tư kinh doanh bền vững; chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Cuối cùng là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, cần đổi mới từ dưới lên và vai trò của chính quyền địa phương. Sự năng động và động lực cải cách từ địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Những mô hình mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn như: trung tâm hành chính công tập trung và sự chuyên nghiệp của thủ tục hành chính; cafe doanh nhân và mô hình đối thoại chính quyền – doanh nghiệp hiệu quả…

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nhìn nhận, cải thiện môi trường kinh doanh thời gian tới có một số thách thức như các vấn đề và lĩnh vực cải cách khó khăn, phức tạp hơn, dư địa để cải cách ngay hạn hẹp. Trong khi đó, chúng ta còn thiếu đơn vị tiên phong “giữ lửa”, thúc đẩy cải cách, thiếu nguồn lực và hỗ trợ cần thiết từ các nhà tài trợ, thiếu các nghiên cứu có chất lượng bổ trợ cho các đề xuất giải pháp cải cách.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, từ quá trình cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2014 – 2020, chúng ta có nhiều kinh nghiệm và bài học giúp việc đề xuất các chính sách, giải pháp có hiệu quả hơn, định hướng của Chính phủ về việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh được xác định rõ.

TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý các thành quả của cải cách có thể bị đẩy lùi; các rào cản đối với đầu tư kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi lại, nếu quyết tâm và các nỗ lực cải cách không tiếp tục thường xuyên và đủ mạnh.

Gia Minh