Các doanh nghiệp chủ động thời đón "sóng" cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu

08:00 18/12/2020

Các Hiệp định thương mại tự do đang tạo ra nhiều cơ hội mới tạo thuận lợi tự do hóa thương mại, giúp cộng đồng doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên để đón được “sóng” cơ hội này đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải chủ động thích ứng hơn nữa, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu có năng lực cao.

Doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm những cách làm, hướng đi mới trước ảnh hưởng của COVID-19
Doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm những cách làm, hướng đi mới trước ảnh hưởng của COVID-19. (Ảnh: Internet)

Doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm những cách làm, hướng đi mới

Đại dịch COVID-19 khiến cho các sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu.

Đáng chú ý hơn là Trung Quốc, thị trường lớn nhất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp đã có nhiều thay đổi trong chính sách nhập khẩu nhằm kiểm soát dịch bệnh khiến cho việc xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm mạnh.

Trong những tháng đầu năm, gần như hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp đều sụt giảm, thậm chí nhóm lâm sản nhiều năm liền đều có tăng trưởng rất mạnh với mức hai con số nhưng cũng phải chịu cảnh quay đầu với mức tăng trưởng âm.

Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp đã chủ động, tích cực, sáng tạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu “kép,” vừa thúc đẩy tăng trưởng ngành, vừa chống dịch hiệu quả.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động xúc tiến thương mại trên thế giới, bà Tô Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã nhắc lại câu chuyện năm 2017 gặp sự cố truyền thông với sản phẩm cá tra tại Tây Ban Nha. Khi đó, một siêu thị rút mặt hàng này ra khỏi hệ thống dẫn tới thông tin lan truyền, gây ảnh hưởng tâm lý tới người tiêu dùng. Trước lo ngại sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay, VASEP cùng doanh nghiệp đã phải thay đổi cách tiếp thị sản phẩm, từ hình thức kết nối truyền thông tới đối tác (B2B) đã chuyển sang làm truyền thông tới người tiêu dùng (B2C).

(Ảnh: Internet)

Chương trình được thực hiện từ 2019 đến các thị trường như: Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Bỉ, Ý… bằng nhiều hình thức kết nối và quảng bá qua website, Google, Facebook, Pinterest, Instagram, Youtube… Nhờ vậy, trong vòng 3 tháng, trên website đã thu hút hơn 14.000 lượt truy cập. Các từ khóa "pangasius cecipe" luôn được xếp hạng tìm kiếm dẫn đầu. Qua đây, VASEP nhận thấy, chức năng kích hoạt cộng đồng thảo luận tương tác trên mạng xã hội rất có lợi khi đem sản phẩm tới người tiêu dùng trực tiếp, đưa sản phẩm tới họ...

“Trong các kỳ hội chợ triển lãm toàn cầu và tại châu Âu, công ty tư vấn đã đưa ra những đối tác quan tâm đến các sản phẩm cá ngừ. Các đối tác này đã đến gian hàng để tìm hiểu về tiềm năng của Việt Nam khi cần đáp ứng nhu cầu của họ”, bà Lan dẫn chứng.

Đối với VASEP, Hiệp hội đã cố gắng tổ chức truyền thông ngay tại các gian hàng triển lãm, để các đối tác nhận diện sản phẩm thủy, hải sản của Việt Nam được rõ nét hơn. Trong trường hợp có nhiều kinh phí, Hiệp hội sẽ mời 1 công ty tư vấn để họ quảng bá đến những nhóm khách hàng có nhu cầu đến làm việc với các DN Việt Nam tại các gian hàng triển lãm. 

Là nhóm sản phẩm luôn chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, sau rất nhiều năm luôn tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng khi dịch COVID-19 xảy ra đã khiến thị trường đầy những biến động và nằm ngoài sự kiểm soát của ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ. “Nhưng điều này không có nghĩa các doanh nghiệp chỉ ngồi chờ đợi thị trường “lặng sóng”, để thị trường tự tìm đến mình. Các doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành đã nỗ lực tìm kiếm những cách làm, hướng đi cho mình dù đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp”, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập, cho hay.

(Ảnh: Internet)

Thay vì chỉ biết đến qua các kênh bán hàng trực tiếp, quảng bá hàng qua các hội chợ, các doanh nghiệp, hiệp hội đã nhanh chóng chủ động chuyển sang hình thức trực tuyến và đặt ra đề bài số hóa triển lãm.

Các doanh nghiệp thúc đẩy kết nối online mạnh hơn thông qua các kênh bán hàng trực tuyến trên toàn cầu như Alibaba, Amazon...

Tác động của COVID-19 đã đưa các doanh nghiệp nhanh chóng gắn kết với nhau, giảm thiểu sự phụ thuộc từ bên ngoài. Cũng từ đó, họ có các sản phẩm chiến lược như tủ bếp, tủ nhà tắm… tạo cho doanh nghiệp Việt có bước bứt phá.

Nhóm sản phẩm lâm sản dự kiến vẫn có sự tăng trưởng mạnh nhất trong nông nghiệp năm nay với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Hướng đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bền vững

Trong bối cảnh thế giới vẫn đang đối mặt với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, thì Việt Nam đã nhanh chóng khống chế, kiểm soát hiệu quả sự xâm nhập và lây lan của đại dịch này. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, cung ứng sản phẩm tốt hơn cho thị trường thế giới.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương)
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương).

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho hay, với quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới hơn 500 tỉ USD, hoạt động xúc tiến xuất khẩu cần tương xứng hơn với giá trị xuất khẩu của Việt Nam trên thương trường, bởi thực tế hiện nay do nguồn lực có hạn nên quy mô hoạt động này vẫn còn hạn chế.

"Nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho xúc tiến thương mại còn dàn trải cả trung ương và địa phương, bộ ngành, nên nhiều hoạt động có phần bị chồng lấn, trùng lắp. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông marketing theo xu hướng mới hiện đại còn hạn chế" - ông Phú chia sẻ.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng thông tin, tới đây Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó và chủ động trước dịch COVID-19, nâng cao và nâng tầm hình ảnh sản phẩm, thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử, đặc biệt trong dịch COVID-19 vừa qua thương mại điện tử tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động hỗ trợ của Chính phủ định hướng, hướng dẫn đào tạo doanh nghiệp…

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, Bộ Công Thương sẽ tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu…

Theo Cục Xúc tiến thương mại, trong giai đoạn tới, từ 2020-2025, hoạt động xúc tiến thương mại đặt ra mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 5-10% cho nhóm mặt hàng chủ lực gồm gạo, thủy sản, dệt may, cao su, hạt điều, hồ tiêu, chè và cà phê, dệt may, da giày, đồ gỗ, phần mềm, rau quả.

Cụ thể sẽ nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, phối hợp với các ngành hàng để hướng dẫn, nâng cao chất lượng sản phẩm được xúc tiến, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, kim ngạch và thị phần xuất khẩu của ngành hàng.

Ảnh minh họa
Bộ Công Thương sẽ tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu… (Ảnh: Internet)

Về thị trường trọng điểm, Việt Nam sẽ tập trung xúc tiến tại các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và thị trường các khối, nước đối tác mà ta đã ký kết hiệp định thương mại tự do như EU, Canada, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…, đồng thời khai thác các thị trường mới ở Trung Đông, châu Phi…

Trong khi đó theo ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, để chuỗi giá trị bền vững hơn khi tham gia thị trường, vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ cho nông hộ rất quan trọng. Nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã nhưng việc thực hiện còn khiêm tốn, do đó cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn ở các địa phương, chia sẻ kinh nghiệm thành công để các doanh nghiệp, hợp tác xã học tập.

Không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng, dịch COVID-19 tiếp tục khẳng định thêm rằng những doanh nghiệp có năng lực bảo quản, tồn trữ, chế biến thì sẽ có khả năng thích ứng tốt hơn so với những doanh nghiệp chỉ kinh doanh hàng tươi sống trước những biến động từ thị trường. Doanh nghiệp cần phải có sự đầu tư để tạo ra các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng.

Còn dưới góc độ doanh nghiệp, bà Tô Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, hiện nay các DN làm xuất khẩu vẫn chưa chú ý đến cách tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng, đặc biệt là người tiêu dùng nước ngoài nên thường họ không hiểu nhiều về sản phẩm của Việt Nam. Khi người tiêu dùng không biết xuất xứ của sản phẩm đó ra sao; không có sự tin tưởng vào sản phẩm đương nhiên sẽ dẫn đến chuyện họ không mua sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Chính vì thế, bà Lan cho rằng các DN xuất khẩu cần phải có sự chuẩn bị tốt cho quá trình phát triển bền vững, sẵn sàng đáp ứng những tiêu chuẩn của các hệ thống cung cấp và hệ thống siêu thị trong nước và nước ngoài. Chỉ khi có đầy đủ những điều kiện như vậy, các hiệp hội, ngành hàng mới thực hiện các chương trình marketing online có hiệu quả.

Gia Minh