Xuất khẩu cà phê Việt Nam tiến sát 8 tỷ USD – Doanh nghiệp đón sóng bứt phá |
Kim ngạch xuất khẩu hướng đến mốc 6 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu 662.900 tấn cà phê, thu về 3,78 tỷ USD. Dù sản lượng giảm gần 10%, giá trị kim ngạch lại tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm 2024 nhờ giá cà phê thế giới neo cao do lo ngại thiếu hụt nguồn cung và các bất ổn địa chính trị.
Thông tin từ Hội thảo "Cà phê Việt Nam: Tăng lợi ích cho người trồng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu" vừa qua, ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột - nhận định, với đà tăng trưởng hiện tại ngành cà phê hoàn toàn có thể vượt mốc 6 tỷ USD trong năm nay. Đáng chú ý, khoảng 10% sản lượng đã được đưa vào chế biến sâu, đạt giá trị trung bình tới 6.000 USD/tấn, gấp nhiều lần so với cà phê thô. Đặc biệt, cà phê đặc sản của Việt Nam đã bắt đầu tạo dấu ấn, với mức giá cao gấp rưỡi đến gấp đôi mặt bằng chung thế giới.
![]() |
Cà phê Việt cần “cú hích” từ thị trường nội địa để vượt mốc 6 tỷ USD |
Bên cạnh yếu tố thị trường thuận lợi, ông Minh cho rằng nội lực ngành cà phê cũng đang từng bước cải thiện. Người dân và doanh nghiệp ngày càng ứng xử chuyên nghiệp hơn với biến động thị trường. Những bất ổn như hợp đồng rủi ro cao hay mất kiểm soát giá đã được hạn chế đáng kể.
Cần cú hích từ chế biến sâu và thị trường nội địa
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Bình - chuyên gia thị trường cà phê cũng chia sẻ, một trong những điểm nghẽn lớn là tỷ lệ chế biến sâu còn thấp. Hơn 90% sản lượng hiện đến từ các hộ nhỏ lẻ, với quy mô sản xuất chỉ vài tấn mỗi năm, khiến việc đầu tư công nghệ chế biến và truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, thị trường nội địa chưa thực sự phát triển. Hiện chỉ khoảng 5-10% tổng sản lượng cà phê được tiêu thụ trong nước, tỷ lệ khá khiêm tốn so với Brazil, nơi người dân tiêu thụ tới 20-22 triệu bao mỗi năm. Sức tiêu dùng nội địa mạnh giúp nông dân Brazil duy trì ổn định sản xuất và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu. Ngược lại, nông dân Việt với quy mô sản xuất nhỏ, thiếu vốn và thông tin thị trường thường phải bán vội hoặc tự trữ hàng, dễ gặp bất lợi khi giá biến động.
Ông Bình đề xuất: “Ngân hàng cần mạnh dạn tăng hạn mức tín dụng từ 5 tỷ lên 6-7 tỷ đồng để nông dân và doanh nghiệp có thể đầu tư dài hạn cho chế biến và bảo quản, đồng thời cần chính sách hỗ trợ cụ thể cho cà phê đặc sản”.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) - nhấn mạnh, cần nâng tỷ lệ chế biến sâu lên ít nhất 40-45% để bảo đảm lợi ích lâu dài cho người trồng. Đồng thời, người dân cũng cần trang bị kiến thức về thị trường, biết trữ hàng và bán ra đúng thời điểm để tối ưu lợi nhuận.
Với giá cà phê dao động quanh mức 150.000 đồng/kg xô và 170.000 đồng/kg thành phẩm, nếu nông dân không kiểm soát được chi phí và thiếu năng lực dự đoán thị trường, lợi nhuận sản xuất sẽ rất bấp bênh.
Ông Vũ Văn Thủy - Trưởng cơ quan đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại phía Nam cho biết, ngành cà phê Việt đang đứng trước yêu cầu phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường khó tính như EU và Nhật Bản. Đây là chìa khóa để duy trì lợi thế cạnh tranh dài hạn.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tham mưu xây dựng chính sách phát triển cà phê theo hướng gắn kết giá trị kinh tế với thương hiệu nông sản quốc gia, phản ánh bản sắc văn hóa tiêu dùng Việt trên thị trường quốc tế. |