Dự án đã thành lập được 14 nhóm tự quản lâm nghiệp thôn bản, cấp thiết bị GPS, trang phục bảo hộ đi rừng cho các tổ; thành lập 14 nhóm sở thích nông dân với 360 hộ và 2 nhóm với 40 hộ không có đất.
Mục tiêu của nhóm là nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, học hỏi mô hình sinh kế mới, thí điểm các hoạt động sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần bảo vệ rừng, xoá bỏ khai thác gỗ trái phép.
Tại Hội nghị tổng kết năm thứ nhất triển khai dự án vào chiều 18/3, bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch HLHPN tỉnh Cà Mau, Tổ phó Tổ công tác Dự án VM609, nhấn mạnh, dự án triển khai tại 2 xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn) và xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) với thời hạn 3 năm.
Kết quả năm thứ nhất của dự án có ý nghĩa rất quan trọng, làm tiền đề cho những năm tiếp sau. Những khó khăn, vướng mắc được các địa phương, người dân và Ban Quản lý rừng phản ánh là cơ sở quan trọng để Tổ công tác hoạch định chương trình hoạt động.
Dự án Bảo vệ khí hậu và rừng ngập mặn kết hợp với cải thiện thu nhập cho các công đồng dễ bị tổn thương - VM069 do Tổ chức Bánh mì cho thế giới (The bread for the world – BftW) tài trợ thông qua Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững, đã được UBND tỉnh Cà Mau đồng ý chủ trương tiếp nhận và thành lập Tổ công tác phối hợp thực hiện Dự án.
Các giải pháp nuôi trồng thuỷ sản dưới tán rừng ngập mặn kết hợp nâng cao khả năng tích luỹ carbon, tăng cường năng lực ứng phó của dự án là một giải pháp phù hợp với vùng ven biển, vùng đệm quan trong như Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang, vừa tạo ra thu nhập cho người dân, phát triển sinh kế bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu cao hơn.
Đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực đến rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, phù hợp với người dân địa phương. Việc nuôi tôm gắn với phát triển rừng ngập mặn mang lại giá trị to lớn về môi trường, đa dạng sinh học, giảm thiểu khí nhà kính.
Phú Hữu (Theo Cà Mau Online)