Kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024, đại diện UBND tỉnh Bình Dương đã thông báo những kết quả đáng khích lệ trong sự hồi phục và tăng trưởng của các ngành kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ và xuất khẩu đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Bình Dương trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng hơn 6,3%, với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,2%, cho thấy sự phục hồi tích cực của các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đang dần lấy lại đơn hàng xuất khẩu cho quý I/2025.
Khu công nghiệp tại Bình Dương cũng có nhiều dấu hiệu tích cực, với tổng vốn đầu tư xây dựng 9 tháng đạt gần 4.300 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với năm trước. Các khu công nghiệp đã cho thuê gần 54 ha đất, thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 1,4 tỷ USD, chiếm 88,3% tổng đầu tư của tỉnh. Doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt 27 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu đạt 18,2 tỷ USD, chiếm 70% của toàn tỉnh.
Bình Dương cũng đang đầu tư vào các khu công nghiệp thế hệ mới, hướng đến sản xuất thông minh và sản xuất xanh, đồng thời hoàn thiện hồ sơ cho Đề án thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung.
UBND tỉnh Bình Dương đã thông báo những kết quả đáng khích lệ trong sự hồi phục và tăng trưởng của các ngành kinh tế của tỉnh. |
Lĩnh vực thương mại - dịch vụ của tỉnh Bình Dương đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 256 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Dương, với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2024 đạt 26,8 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, và thặng dư thương mại đạt 8,4 tỷ USD. Từ tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt hơn 3 tỷ USD/tháng.
UBND tỉnh Bình Dương cũng đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mở ra cơ hội hợp tác, thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các dự án lớn của tỉnh.
Bên cạnh đó, Bình Dương đã phối hợp với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng; khánh thành cầu Bạch Đằng 2 kết nối giao thông giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương; khánh thành công trình đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng kết nối giao thông giữa các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ ở các huyện phía Bắc với các thành phố phía Nam của tỉnh, kết nối liên vùng với tỉnh Bình Phước và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, UBND tỉnh Bình Dương cũng nhận thấy rằng các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do tác động của kinh tế toàn cầu, bao gồm bất ổn địa chính trị, lạm phát cao, biến động giá dầu, giá lương thực và tỷ giá. Những yếu tố này tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Mở rộng sang các thị trường tiềm năng FTA
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, đã nhấn mạnh sự phục hồi và tăng trưởng tích cực của ba lĩnh vực chính trong ngành Công Thương: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, và thị trường trong nước trong 9 tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng tình hình kinh tế - chính trị thế giới trong thời gian tới, đặc biệt trong 3 tháng cuối năm, sẽ gặp nhiều biến động khó lường, chủ yếu do các cuộc xung đột vũ trang tại Trung Đông và Nga - Ukraine. Điều này đặt ra thách thức lớn cho Bình Dương và cả nước trong việc đạt được các mục tiêu phát triển.
Mục tiêu xuất khẩu của tỉnh Bình Dương trong năm 2024 là tăng từ 9-10%. Để đạt được mục tiêu này, Sở Công Thương sẽ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các thị trường xuất khẩu chủ lực và mở rộng sang những thị trường mới, tận dụng lợi thế từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA và RCEP.
Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ bao gồm việc phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và địa phương để giải quyết thủ tục hành chính và tháo gỡ các vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Sở cũng sẽ theo dõi sát sao diễn biến thị trường và chính sách xuất nhập khẩu, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, đảm bảo nguồn cung ổn định cho doanh nghiệp.
Bà Hà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp với Bộ Công Thương trong việc phòng vệ thương mại, bảo vệ thị trường xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện từ nước nhập khẩu. Sở cũng sẽ tăng cường kết nối với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cập nhật thông tin về tình hình thị trường và các quy định có thể ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, Bình Dương sẽ triển khai các chương trình bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu và kích cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm, giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho và ổn định thị trường trong nước.