Dự thảo Thông tư này được đề xuất áp dụng đối với trường hợp sau:
1- Người bệnh COVID-19;
2- Người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên do dịch bệnh COVID-19, như: Người bệnh đang trong thời gian cách ly theo quy định của Bộ Y tế; người bệnh đang sinh sống, làm việc trong khu vực bị phong tỏa; người bệnh không thể tiếp cận được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên để điều trị trực tiếp theo lịch hẹn do tình trạng quá tải hoặc do yêu cầu cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên…
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp thực hiện việc tiếp nhận, phân loại người bệnh, nhận định về tình trạng bệnh, lập danh sách để liên hệ, thông báo với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ xa phù hợp thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa.
Về thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp chuẩn bị thông tin về tiền sử bệnh tật, hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… phục vụ cho việc khám bệnh, chữa bệnh từ xa.
Cơ sở thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa cử bác sỹ có chuyên môn phù hợp để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh, ra chỉ định điều trị, kê đơn thuốc. Trường hợp cần phải can thiệp, phẫu thuật ngoại khoa, thủ thuật, bác sỹ thông báo với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp để chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện, trường hợp vượt quá khả năng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp thì chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp khác để thực hiện.Việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa, thực hiện kê đơn thuốc theo quy trình.
Theo dự thảo, trường hợp người bệnh sử dụng thuốc bảo hiểm y tế thì bác sỹ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp kê đơn theo sự tư vấn của bác sỹ của cơ sở thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Trường hợp người bệnh sử dụng thuốc tự mua ngoài danh mục thuốc bảo hiểm y tế thì thực hiện theo các bước sau:
Các cơ sở thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa triển khai liên thông kết nối đơn thuốc điện tử được kê từ hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) với hệ thống thông tin quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (Đơn thuốc quốc gia) của Bộ Y tế theo Thông tư 27/2021/TT-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế và Quyết định số 2113/QĐ-BYT ngày 20/5/2020 về việc triển khai thí điểm Hệ thống thông tin quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.
Đơn thuốc đã kê sẽ gửi về hệ thống Đơn thuốc quốc gia và được chia sẻ tới người bệnh thông qua mã đơn thuốc. Người bệnh có thể sử dụng mã đơn thuốc do bác sỹ hoặc cơ sở khám chữa bệnh cung cấp để tra cứu đơn thuốc của mình trên trang thông tin điện tử: https://donthuocquocgia.vn
Phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) liên thông gửi đơn thuốc đã kê tới hệ thống Đơn thuốc quốc gia.
Bác sỹ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ xa thực hiện việc kê đơn thuốc sau khi chẩn đoán và kết luận bệnh lý, đơn thuốc được lập từ phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) của cơ sở tuyến trên và do bác sỹ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ xa chịu trách nhiệm sẽ liên thông gửi tới hệ thống Đơn thuốc quốc gia. Mỗi đơn thuốc được lập sẽ có một mã đơn thuốc 12 ký tự riêng không trùng lắp.
Bác sỹ cung cấp mã đơn thuốc cho người bệnh thông qua việc khám chữa bệnh trực tuyến từ xa. Người bệnh lưu giữ mã đơn thuốc của mình và có thể tra cứu đơn thuốc trên trang thông tin điện tử: https://donthuocquocgia.vn của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.
Tại cơ sở cung ứng thuốc người bệnh cung cấp mã đơn thuốc của mình cho cơ sở. Cơ sở cung ứng thuốc tra cứu đơn thuốc từ hệ thống Đơn thuốc quốc gia để thực hiện hoạt động cấp, bán thuốc.
Theo dự thảo, giá khám bệnh áp dụng mức giá khám bệnh hiện hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Giá dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, chế phẩm máu, vật tư y tế: áp dụng mức giá hiện hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp.
PV