Ngày 7/11, Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ nhóm vấn đề nội vụ, an ninh trật tự, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhận được nhiều câu hỏi nhất, chủ yếu về lương giáo viên.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (chuyên trách Ủy ban Văn hóa - Giáo dục) cho biết giám sát của Ủy ban cho thấy mức lương giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non còn rất thấp nhưng áp lực công việc rất lớn. Tại buổi đối thoại của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo với một triệu nhà giáo vừa qua, có 6.000 câu hỏi gửi tới Bộ trưởng liên quan đến vấn đề này.
Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Vì vậy, bà đề nghị Bộ trưởng Nội vụ cho biết chủ trương này của Đảng có được cụ thể trong cải cách tiền lương năm 2024 hay không? Giải pháp về chính sách cho nhà giáo thế nào? Câu hỏi này cũng được bà Nga chuyển tới Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xếp lương của giáo viên mầm non được thực hiện theo nghị định 204, phụ cấp ưu đãi nghề theo quyết định 244. Trong quá trình thực hiện, được Đảng, Nhà nước quan tâm nên lương của giáo viên nói chung và của giáo viên mầm non được quan tâm hơn đối tượng viên chức khác. Nhưng nhìn tổng thể thì lương vẫn rất thấp, nghề này lại có tính chất đặc thù.
Tính bình quân lương giáo viên mầm non chỉ 5-6 triệu đồng/tháng.
Thời gian tới khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD&ĐT khi xây dựng bảng lương mới cho giáo viên thì cần căn cứ trên cơ sở vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức trên nguyên tắc của Nghị quyết 27 tính chất công việc, thực hiện ưu đãi nghề (áp dụng với giáo dục, y tế). Đối với giáo viên trên cơ sở Nghị quyết 29 sẽ bảo đảm tiền lương cơ bản cùng với phụ cấp sẽ có cao hơn bảng lương hành chính sự nghiệp.
Với sự phối hợp của 2 bộ khi xây dựng bảng lương thực hiện sẽ có quan tâm đến lương giáo viên nói chung và lương giáo viên mầm non nói riêng.
Bảng lương viên chức đơn vị sự nghiệp công lập dành cho giáo viên, giảng viên, bác sĩ, dược sĩ, đạo diễn, diễn viên, kỹ sư, kiến trúc sư, quay phim, dựng phim, họa sĩ... Lương công chức, viên chức hiện được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Hệ số lương thể hiện sự chênh lệch mức tiền lương giữa các vị trí, cấp bậc công việc dựa trên trình độ, bằng cấp của công chức, viên chức. Lương cơ sở thấp (1,8 triệu đồng/tháng), hệ số lương ít thay đổi nên không tạo được động lực cho người lao động.
Thống kê của ngành giáo dục cho thấy, hiện cả nước có 1,6 triệu giáo viên, thiếu khoảng 100.000. Chỉ trong năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là hơn 16.000, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành.
Tại viên chất vấn, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) đã chất vấn Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà về việc khi cải cách tiền lương có giải pháp nào cải thiện lương của nhân viên trường học, khi đây là vị trí rất quan trọng nhưng lương lại đang rất thấp.
Trả lời đại biểu Bình, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, cả nước có khoảng 150.000 viên chức làm nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ trong trường học, trong đó có 37.817 nhân viên kế toán.
Bà Trà thừa nhận, thực chất lương của viên chức, nhân viên trường học rất thấp, chưa bằng mức lương tối thiểu vùng của khối doanh nghiệp. Do đó, việc cải thiện tiền lương của đối tượng này là nhiệm vụ quan trọng trong cải cách chính sách tiền lương.
Bộ trưởng Trà đề nghị địa phương tổng rà soát nhân viên trường học để có phương án sắp xếp danh mục vị trí việc làm, chuẩn bị cho việc cải cách tiền lương với đối tượng này.
Cũng theo Bộ trưởng Nội vụ, các đối tượng nói trên đang là viên chức, không được hưởng 25% phụ cấp công vụ, sắp tới khi xếp sang bảng lương mới sẽ bị thiệt thòi. Trong khi đó, nhiều đơn vị, địa phương, bộ ngành chưa hướng dẫn thi thăng hạng viên chức đối với đối tượng này.
"Tới đây cần rà soát để xét thăng hạng cho nhân viên là viên chức trong trường học, đảm bảo khi thực hiện cải cách tiền lương có điều kiện xếp lương cho họ tốt hơn", Bộ trưởng Nội vụ cho biết, đồng thời khẳng định sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét các đối tượng đặc thù như nhân viên trường học mà đại biểu đề cập.
Đại biểu Trần Kim Yến (Bí thư Quận 1, TP HCM) nêu thực trạng tinh giản biên chế cơ học và cào bằng gây ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục. Nhiều nơi thiếu giáo viên trong khi tuyển dụng rất khó khăn. Giáo viên nghỉ việc ngày càng nhiều do thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống. "Bộ Nội vụ có giải pháp gì?", bà Yến chất vấn.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết thời gian qua toàn quốc đã thành công bước đầu về tinh giản biên chế. Từ 2017 đến 2021, toàn quốc giảm 10% công chức và 11,6% viên chức hưởng lương ngân sách. Tuy nhiên nhiều địa phương giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách thì cắt hẳn biên chế nên thiếu người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp.
Với ngành giáo dục, bà Trà cho rằng cần tập trung hoàn thiện thể chế như Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo để có giải pháp đảm bảo số lượng, chất lượng, đời sống nhà giáo; sửa định mức giáo viên và mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục mầm non đến đại học. Bà đề nghị Bộ Tài chính rà soát, thúc đẩy cơ chế tự chủ mầm non, tiểu học, đại học.
Minh Trang (T/h)