Bình Thuận: Tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế đến năm 2030

16:11 10/07/2024

Ngày 8/7, ông Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã ký Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khóa XIV về việc lãnh đạo thực hiện quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050.

Tỉnh Bình Thuận đang hướng đến mục tiêu phát triển ba trụ cột kinh tế chủ chốt đến năm 2030. Đây là chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh trong bối cảnh nền kinh tế hiện đại và hội nhập quốc tế.

Với công nghiệp, địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển ngành trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Với công nghiệp, địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển ngành trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong đó, tỉnh đã đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt mức 7,5 - 8%, với GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.800 - 8.000 USD. Tỉnh sẽ tập trung vào việc tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ kinh tế truyền thống, tuyến tính và "nâu" sang phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế chia sẻ.

Theo Tỉnh ủy Bình Thuận, việc thực hiện tốt quy hoạch này trong giai đoạn 2021-2030 và hướng tới năm 2050 là một yêu cầu thiết yếu và cấp bách. Điều này nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, phát huy tối đa những lợi thế, thu hút các nguồn lực, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế đi đôi với đổi mới mô hình tăng trưởng. Qua đó, xây dựng Bình Thuận phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Trụ cột đầu tiên là ngành công nghiệp, với trọng tâm là năng lượng sạch và tái tạo. Bình Thuận đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia, phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao. Các cụm liên kết ngành sẽ được tổ chức để thúc đẩy sự phát triển công nghiệp bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo môi trường sinh thái.

Trụ cột thứ hai là ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ logistics. Bình Thuận dự kiến phát triển các khu công nghệ cao và dịch vụ vận tải logistics trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Các loại hình du lịch biển, vui chơi giải trí và thể thao biển cũng sẽ được chú trọng, biến Bình Thuận thành điểm đến du lịch quốc gia và quốc tế.

Trụ cột cuối cùng là ngành nông nghiệp, với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái và ứng dụng công nghệ cao. Bình Thuận sẽ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn và thân thiện với môi trường. Các vùng sản xuất tập trung sẽ được hình thành để nâng cao sức cạnh tranh và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chiến lược phát triển ba trụ cột kinh tế của Bình Thuận đến năm 2030 không chỉ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn hướng đến phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Với sự đầu tư và định hướng chiến lược đúng đắn, Bình Thuận sẽ trở thành điểm sáng của khu vực Duyên hải Trung Bộ, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân trong tỉnh.

Quang Duy - Vân Nguyễn