Bài liên quan |
Khu công nghiệp cần theo xu hướng xanh để hấp dẫn đầu tư |
Triển lãm VIMEXPO 2024: Kết nối cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển |
TP. Hồ Chí Minh tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ |
Trong gần 30 năm qua, Bình Dương đã có bước phát triển vượt bậc, từ một tỉnh chủ yếu dựa vào nông nghiệp trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Với vị trí chiến lược và quyết tâm tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, tỉnh đã thu hút 4.347 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký đạt 42 tỷ USD, đứng thứ ba cả nước sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư, Bình Dương còn liên tục dẫn đầu cả nước về phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tỉnh cũng được vinh danh là "Cộng đồng thông minh của năm" trong danh sách Top 1 ICF 2023, minh chứng cho những nỗ lực trong việc xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh. Nhờ đó, Bình Dương đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho người lao động từ khắp các vùng miền, với hơn 52% dân số là người nhập cư từ các tỉnh khác.
Bình Dương phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa xứng tiềm năng. |
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, tỉnh đã phát triển mạnh các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nội địa về số lượng và chất lượng. Hiện tại, CNHT tại Bình Dương chỉ đáp ứng từ 40-45% nguyên phụ liệu cho dệt may, da giày; 10-20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ; 15% cho điện tử, tin học, viễn thông; và chỉ 5% cho các ngành điện tử chuyên dụng và công nghệ cao. Sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu vẫn là một điểm yếu lớn của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại đây.
Nhằm cải thiện tình hình và thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT, Bình Dương đã ưu tiên phát triển các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này. Hiện tại, tỉnh đang xây dựng một khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ, dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động, tạo thêm động lực cho ngành.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, mặc dù tỉnh đã dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song kết quả đầu tư vào công nghệ cao và CNHT vẫn còn khiêm tốn. Để phát triển công nghiệp bền vững và nâng cao giá trị gia tăng, Bình Dương đang tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT, giúp họ nâng cao năng lực sản xuất và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất, từ chính sách thông thoáng đến các hỗ trợ cụ thể, để doanh nghiệp có thể đầu tư và phát triển lâu dài.
Theo thống kê, hiện nay Bình Dương có gần 2.300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, bao gồm 442 doanh nghiệp dệt may, 172 doanh nghiệp da giày, 593 doanh nghiệp chế biến gỗ và 710 doanh nghiệp cơ khí. Tỉnh cũng đã thu hút gần 4.300 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD, trong đó hơn một nửa vốn đầu tư được đổ vào lĩnh vực CNHT, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế bền vững của tỉnh.