Bình Dương: Động lực tăng trưởng kinh tế trên nhiều lĩnh vực

16:19 24/07/2023

Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh rằng, Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa X diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế thế giới đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sự nỗ lực của doanh nghiệp

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và sự cống hiến không biết mệt mỏi của toàn bộ hệ thống chính trị cùng với sự đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Bình Dương đã quyết tâm thực hiện các giải pháp, đạt được những bước tiến đáng kể trong nửa đầu năm 2023 về mặt kinh tế-xã hội.

Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa X
Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa X.

Tăng kinh tế ở Bình Dương đạt tỷ lệ trưởng 3,76%, vượt bình quân cả nước 0,04%, tỷ lệ tăng trưởng chung là 3,72%. Ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh dự kiến ​​tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách đạt mức ấn tượng là 31,715 tỷ đồng, chiếm 43% dự toán mà HĐND tỉnh đã thông qua và 48% dự toán do Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong bối cảnh này, các cơ quan chức năng ở mọi cấp đã chủ động giải quyết khó khăn, tăng tốc độ thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư các dự án giao thông quan trọng. Đáng chú ý, dự án Vành đai 3 đã được khởi động thành công theo lịch trình đề ra. Cùng với đó, lĩnh vực phát triển đô thị, nông nghiệp và nông thôn, cũng như bảo vệ môi trường tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt trong quá trình thực hiện.

Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế và an sinh xã hội, mức độ thực hiện đã rất toàn diện và mang lại nhiều kết quả hơn mong đợi. Các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và khai thác Đề án 06 liên quan đến việc xây dựng thành phố thông minh đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Nhiều doanh nghiệp Bình Dương đang duy trì hoạt động sản xuất đẩy mạnh phát triển những tháng cuối năm 2023
Nhiều doanh nghiệp tỉnh Bình Dương đang duy trì hoạt động sản xuất đẩy mạnh phát triển những tháng cuối năm 2023.

Bên cạnh, những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương vẫn còn tồn tại những hạn chế: Mức tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với cùng kỳ; sản xuất và xuất khẩu của một số ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc tăng thấp do thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch…

Kỳ họp sẽ tập trung đánh giá một cách toàn diện và khách quan về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh những tháng đầu năm 2023.

Đồng thời, xem xét, quyết định các nội dung quan trọng, như: Các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách; điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; phân cấp thẩm quyền quản lý tài sản công; danh mục thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa.

Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Bình Dương sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm và kỳ vọng của nhân dân tỉnh Bình Dương.

Vượt khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm

Xuất nhập khẩu của tỉnh Bình Dương gặp nhiều khó khăn; các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu.

TP.Dĩ An đã nỗ lực cao nhất, tập trung mọi nguồn lực để linh hoạt, thích ứng phục hồi và phát triển kinh tế
TP.Dĩ An đã nỗ lực cao nhất, tập trung mọi nguồn lực để linh hoạt, thích ứng phục hồi và phát triển kinh tế.

Trong đó, ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ có số lao động bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng nhiều nhất. Ít biến động lao động là ngành chế biến thủy, hải sản; sản xuất linh kiện điện tử và sản phẩm điện tử. Dự kiến, đến cuối năm 2023, con số này sẽ còn tăng thêm 60.000 người.     

Trước những khó khăn, thách thức trên, tại Kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Bình Dương sẽ xem xét, đánh giá một cách toàn diện và khách quan về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh những tháng đầu năm 2023.

Trên cơ sở báo cáo của UBND và báo cáo t​hẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, HĐND tỉnh sẽ tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được và hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; thu ngân sách; giải ngân vốn đầu tư công; các vấn đề về văn hóa, lao động, an sinh xã hội, an ninh trật tự…, từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực, kịp thời, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Nguyễn Lộc Hà
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Nguyễn Lộc Hà.

Theo ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; xung đột, cạnh tranh địa chính trị, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo lập và phê duyệt các quy hoạch xây dựng cho các khu công nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cho các khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Bình Dương tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; xây dựng danh mục dự án giao thông ưu tiên bằng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và sau năm 2025; nghiên cứu đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các vị trí kết nối với TP.Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh); thỏa thuận các vị trí kết nối giao thông giữa TP.Tân Uyên, TP.Dĩ An với các địa phương của tỉnh Đồng Nai.

Bà Trần Thị Minh Hạnh - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương
Bà Trần Thị Minh Hạnh - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương.

Tại Kỳ họp, bà Trần Thị Minh Hạnh - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã trình bày Báo cáo thẩm tra của HĐND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, HĐND tỉnh nhận định, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thật sự rõ nét. Mức tăng trưởng kinh tế khá thấp so với các năm qua. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng của cả nước và các tỉnh, thành lân cận thì mức tăng trưởng này khá tích cực (cả nước 3,72%, TP.Hồ Chí Minh 3,55%, Vũng Tàu 3,47%, Đồng Nai 4%).

Hơn nữa, Bình Dương là  tỉnh  phát  triển công nghiệp, với đặc điểm kinh tế mở chịu ảnh hưởng nhiều từ sự  biến động của kinh tế thế giới. HĐND tỉnh nhận định rằng với tốc độ phát triển kinh tế này trong giai đoạn hiện nay là sự cố gắng, nỗ lực rất tích cực của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị của tỉnh.

Về thu ngân sách, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực xuất, nhập khẩu giảm sâu, nhưng nhờ sự nỗ lực, chủ động triển khai các giải pháp có hiệu quả nên thu nội địa đạt khá.

HĐND tỉnh cũng đề cập một số khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình thực tế các doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, tình trạng thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, phải giảm quy mô sản xuất, cắt giảm giờ làm...

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023, từ nay đến cuối năm, và các ngành, địa phương tiếp tục quyết tâm cao hơn trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, chủ động, phối hợp chặt chẽ, phát huy những kết quả đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng kinh tế để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra trong năm 2023
Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng kinh tế để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra trong năm 2023.

Đồng thời nắm chắc tình hình, phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế để có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng kinh tế: Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra.

Nghiên cứu giải pháp khơi thông, kích cầu tiêu dùng góp phần tiêu thụ hàng hóa do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất đang gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức các chuyến tàu chở hàng hóa từ ga Sóng Thần đến ga Đồng Đăng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hoàn thành trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 12/2023. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Bệnh viện đa khoa 1.500 giường trong năm 2023; khởi công đường Vành đai 4 và cảng An Tây (đầu năm 2024, chào mừng kỷ niệm 27 năm tái lập tỉnh), cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành (khởi công trong quý I/2024), đường ven sông Sài Gòn từ Thủ Dầu Một đến Thuận An, Trường Chính trị chuẩn.

Tổ chức thu đúng, thu đủ, kịp thời khai thác các khoản thu còn dư địa vào ngân sách nhà nước để bổ sung cho đầu tư phát triển. Có giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân; tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phấn đấu giải ngân đạt kế hoạch. Khẩn trương thông báo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 cho các chủ đầu tư sớm có phương án chuẩn bị đầu tư.

Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Hoàng Thu