"Bắt mạch" cho thị trường địa ốc năm 2021 và xu hướng phát triển bất động sản xanh hậu Covid-19

08:00 17/12/2020

Năm 2020 là một năm nhiều nốt trầm với thị trường địa ốc tại Việt Nam. Vậy đâu là giải pháp phục hồi cho ngành bất động sản hậu Covid-19 và liệu những dự án có nhiều không gian xanh, tiện ích có đang được nhà đầu tư lẫn người mua quan tâm?

Nhận định về thị trường địa ốc

Tiếp nối những khó khăn chưa dứt từ năm 2019, thị trường bất động sản năm 2020 lãnh thêm cú đánh bồi mang tên Covid-19. Từ đầu năm đến nay, nhiều phân khúc bất động sản rơi vào trạng thái giao dịch cầm chừng, hạn chế về nguồn cung lẫn sức mua khi người mua tỏ ra thận trọng trước mọi quyết định xuống tiền.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nhận xét, thị trường địa ốc 2019-2020 khá “trầm”, nguồn cung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM hạn chế, giá nhà tăng mạnh. Riêng bất động sản công nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm và có dư địa phát triển.

Theo ông Thành, trước khi có dịch bênh, thị trường bất động sản trong vài năm gần đây đã bộc lộ nhiều vấn đề. Đầu tiên là sự lệch pha về cung- cầu. Các dự án tập trung vào phân khúc trung và cao cấp, nhiều chủ đầu tư không mặn mà với nhà ở giá bình dân mặc dù nhu cầu ở phân khúc này rất cao.

Bên cạnh đó, khó khăn chung của toàn ngành bất động sản trong hai năm gần đây là giao dịch chững lại do nguồn cung hạn chế, một phần là do những khó khăn từ pháp lý, quy hoạch, chuyển gia đất, hạ tầng, nguồn lực tài chính,..

Xét trên bức tranh tổng thể kinh tế, Việt Nam hiện vẫn được xem là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương, khoảng 1,6% trong năm nay và dự báo sẽ tăng khoảng 6,7% trong năm tới.

Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp và không chịu ảnh hưởng quá lớn bởi các chính sách giãn cách xã hội. Bước sang năm 2021, kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ bởi tình hình dịch bệnh dần trở lại bình thường.

Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản được đánh giá có nhiều cơ hội khi nhu cầu cầu thị trường vẫn ở mức cao dù phải đối mặt với những thách thức ngắn hạn.

Thời gian qua, giá chào bán trên thị trường sơ cấp vẫn trong xu hướng tích cực, tăng ở cả thị trường TP.HCM và Hà Nội. Các phân khúc như bất động sản công nghiệp đang đón nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư ngoại.

Trong khi đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, dù chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch, được dự báo sẽ “tăng tốc” nhanh chóng sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các thị trường du lịch mở cửa trở lại.

Ngoài yếu tố thị trường, việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư hạ tầng như một giải pháp thúc đẩy kinh tế được đánh giá sẽ mở ra các cơ hội phát triển cho thị trường bất động sản.

Các chủ đầu tư hy vọng thị trường 2021 sẽ sáng hơn
Các chủ đầu tư hy vọng thị trường 2021 sẽ sáng hơn.

Nhận định chung về thị trường bất động sản Việt Nam 2021, ông Park Won Sang, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, 3 động lực tăng trưởng thị trường bất động sản cơ bản là cơ cấu dân số, tốc độ đô thị hóa và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn không thay đổi.

Vì vậy, "cú sốc ngắn hạn từ đại dịch Covid-19 là không thể tránh khỏi, nhưng thị trường bất động sản sẽ phục hồi rất nhanh vì nhu cầu sẽ sớm bung ra", ông nói đồng thời cho rằng, năm 2021 có thể chứng kiến tình trạng cầu vượt cung ở nhiều phân khúc thị trường...

Làm gì để vượt khó trong bối cảnh Covid-19

Bên cạnh việc khắc phục những khó khăn hiện hữu, về lâu dài, cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản cần cải thiện và ổn định hơn nữa. 

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: "Chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, nếu không thị trường sẽ lâm vào khó khăn như nhiều năm trước, kéo theo sự đổ vỡ của hàng nghìn nhà thầu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, vật liệu xây dựng... "

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam.

Trước mắt, trong hoàn cảnh "khó khăn chồng khó khăn", nếu không được hỗ trợ về cơ chế, chính sách, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng do tác động từ dịch bệnh, ông Nam chia sẻ.

Báo cáo thị trường bất động sản của Savills mới đây cũng cho thấy, tại một số phân khúc, Covid-19 có ảnh hưởng rõ rệt khi định hình lại thị trường, tạo ra các xu hướng mới, hoặc tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các bên.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội
Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội cho biết: "Có 3 lưu ý mà các doanh nghiệp cần chú tâm để có thể vượt qua khó khăn, thách thức trong và sau Covid-19".

Thứ nhất, doanh nghiệp cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố pháp lý. Pháp lý tốt sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn bất khả kháng như đại dịch và phát triển bền vững. Pháp lý rõ ràng sẽ hỗ trợ cho tính thanh khoản của sản phẩm; trong trường hợp không thanh khoản ngay được tại thị trường thì doanh nghiệp vẫn tìm được các phương án phù hợp để tạo ra tính thanh khoản, hỗ trợ quá trình đầu tư.

Thứ hai, doanh nghiệp cần phải tính đến yếu tố chiến lược dành cho ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Có những dòng sản phẩm không phù hợp kinh doanh vào thời điểm hiện tại, doanh nghiệp cần rà soát lại các đối tượng khách hàng, các phân khúc ở từng địa bàn mà doanh nghiệp có thể khai thác. 

Đơn cử, các chủ đầu tư hiện nay hướng đến việc đầu tư vào bất động sản đô thị có khung pháp lý tốt ở nhiều tỉnh thành; những dòng sản phẩm này sẽ hướng nhiều đến thu hút khách hàng tại địa phương; sau đó là khách từ các địa phương lân cận, đồng thời sẽ gia tăng và mở rộng đối tượng khách hàng mục tiêu nếu có chất lượng cạnh tranh tương đồng với các sản phẩm ở đô thị lớn. 

Thứ ba, yếu tố hoàn thiện hóa hệ sinh thái của dự án rất cần được coi trọng như phát triển thêm các dòng sản phẩm, tiện ích mới, những sản phẩm tích hợp các yếu tố chăm sóc sức khỏe, đảm bảo tính an toàn, hoặc có nguồn cầu lớn mà chưa được thử nghiệm khai thác, như sản phẩm chăm sóc người già kết hợp nghỉ dưỡng. Covid-19 làm cho tiến trình triển khai các dự án chậm lại nhưng cũng là dịp để các chủ đầu tư xem xét việc phát triển áp dụng công nghệ 4.0 vào việc hỗ trợ bán sản phẩm, quản lý vận hành bất động sản... 

Bất động sản xanh liệu có là xu hướng tất yếu?

Covid-19 như chất xúc tác thúc đẩy nhanh hơn xu hướng lựa chọn bất động sản của giới đầu tư cũng như người mua ở thực. Không còn quá chú trọng giá, người mua nhà hiện nay có xu hướng lựa chọn những dự án đầu tư mạnh tay cho không gian xanh và tiện ích.

Những dự án với nhiều không gian xanh và tiện ích đang được các nhà đầu tư quan tâm.
Những dự án với nhiều không gian xanh và tiện ích đang được các nhà đầu tư quan tâm.

Trong khi đó, theo thông tin đăng tải trên trang Nielsen, dịch Covid-19 tạo nên những thay đổi đáng kể trong hành vi và thói quen của người Việt. Cụ thể, 47% người tiêu dùng thay đổi thói quen ăn uống, hướng đến các thực phẩm tốt cho sức khỏe, tăng hệ miễn dịch; 60% thay đổi các hoạt động giải trí, vui chơi, hạn chế đến những nơi đông người, đặc biệt các khu bar, pub. 70% người Việt đã xem xét lại nơi du lịch.

Những con số này cho thấy, ý thức về việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân. Do đó, các sản phẩm bất động sản xanh, gắn với sức khỏe, gần gũi với thiên nhiên được dự báo sẽ hút khách trong thời gian tới. Đặc biệt với nhóm khách hàng thượng lưu, đầu tư cho không gian sống còn giúp họ tái tạo năng lượng sau những khoảng thời gian làm việc căng thẳng, không chỉ giúp giải tỏa mệt mỏi mà còn là nơi khẳng định tầm vóc và dấu ấn cá nhân. Đây chính là lý do khiến phân khúc bất động sản cao cấp chú trọng không gian xanh được nhiều nhà đầu tư để mắt trong thời gian qua.

Báo cáo tiêu điểm thị trường quý I/2020 của CBRE Việt Nam cũng chỉ ra rằng, khi dịch Covid-19 bùng phát, người mua để ở và nhà đầu tư không chỉ chú ý đến ngôi nhà của mình hơn mà còn sẵn sàng bỏ tiền cho môi trường và tiện ích sống xung quanh. Họ cũng chú trọng nhiều vào chất lượng quản lý dự án, theo hướng tăng cường các hoạt động giữ gìn vệ sinh chung và các yếu tố liên quan đến sức khỏe khác.

Ông Đỗ Đức Đạt - Chủ tịch Capital House Group cho rằng: "Tôi cho rằng, công trình xanh không chỉ là giải pháp hiệu quả để chống biến đổi khí hậu, mà còn là lựa chọn tất yếu trong xu hướng phát triển bền vững của thị trường bất động sản, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, xu thế xanh và bền vững tiếp tục là kim chỉ nam cho sự phát triển của Capital House. Với lõi bất động sản xanh, chúng tôi đang tập trung phát triển các giá trị xanh xoay quanh trục này, bao gồm: năng lượng xanh - giáo dục xanh - vận hành xanh – xây dựng xanh..."

Lyly