Năm 2023 và đầu năm 2024 là khoảng thời gian đầy thử thách đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Lãi suất tăng cao, các vướng mắc pháp lý kéo dài, và niềm tin nhà đầu tư giảm sút đã khiến ngành bất động sản lao đao. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, thông qua các chính sách pháp lý mới và gói hỗ trợ vĩ mô, đã giúp phần nào giải quyết khó khăn, mở ra những tín hiệu tích cực cho thị trường.
Với sự ra đời của ba Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, và Luật Nhà ở 2023, thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Các luật mới được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, đã tạo ra một nền tảng pháp lý rõ ràng và minh bạch, góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong việc cấp phép dự án, giải phóng mặt bằng, và xác định tiền sử dụng đất. Những thay đổi này đã tạo cơ hội mới cho các dự án bất động sản, giúp "hâm nóng lại" thị trường.
Thị trường bất động sản sẽ ổn định hơn trong năm tới (Ảnh: Phan Chính) |
Theo báo cáo từ VCBS, số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép trong năm 2024 đã tăng vọt hơn 20% so với năm 2023. Sự gia tăng này tập trung chủ yếu ở các khu vực kinh tế trọng điểm như: Hà Nội và TP.HCM, nơi có nhu cầu nhà ở và đầu tư lớn. Điều này không chỉ chứng minh hiệu quả của các thay đổi pháp lý mà còn cho thấy sự khởi sắc của thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2024.
Một trong những điểm sáng đáng chú ý trong chính sách mới là sự minh bạch hóa thị trường và tạo dựng một môi trường phát triển bền vững hơn. Việc xây dựng bảng giá đất sát với giá trị thực tế của thị trường giúp cân bằng cung cầu, đồng thời giảm thiểu tình trạng “sốt đất ảo” và các hoạt động phân lô bán nền thiếu kiểm soát. Đây là bước đi quan trọng trong việc khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường phát triển ổn định hơn.
Thêm vào đó, việc các cơ quan chức năng siết chặt và tăng cường giám sát thị trường đã giúp làm giảm tình trạng đầu cơ và các hành vi giao dịch không minh bạch. Chính những quy tắc chơi rõ ràng này đã giúp giảm thiểu rủi ro cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhận định về triển vọng thị trường bất động sản trong năm 2025, các chuyên gia cho rằng, đây sẽ là giai đoạn khởi đầu của một chu kỳ tăng trưởng mới. Sự phục hồi của thị trường bất động sản không chỉ là kết quả của việc thay đổi các chính sách pháp lý mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp “bứt phá” trong một thị trường đầy tiềm năng.
Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Cấp cao của CBRE Hà Nội, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở phân khúc cao cấp. Nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm nhà ở chất lượng cao, đi kèm với các tiện ích, dịch vụ cao cấp sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của các chủ đầu tư trong những năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc các chủ đầu tư cần phải có chiến lược rõ ràng để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đáp ứng yêu cầu cao từ khách hàng.
Bà Nguyễn Hoài An nhận định, tương lai của bất động sản sẽ còn được định hình bởi các yếu tố bên ngoài như hạ tầng giao thông và phát triển đô thị. Các khu vực ngoại thành, nơi có quỹ đất rộng lớn và chi phí thấp, sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các dự án bất động sản. Với việc các tuyến đường cao tốc và hạ tầng giao thông được cải thiện, người dân sẽ dễ dàng di chuyển tới các khu vực này, tạo ra một xu hướng mới trong phát triển bất động sản.
Với những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và sự thay đổi của các quy định pháp lý, thị trường bất động sản Việt Nam đang bắt đầu hồi phục và có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ trong năm 2025. Các doanh nghiệp bất động sản sẽ cần nhanh chóng thích ứng với những thay đổi này để tận dụng cơ hội, vươn lên trong một thị trường đang trên đà chuyển mình. Các yếu tố như chuyên nghiệp hóa hoạt động, quản lý chất lượng dự án, và khả năng tạo giá trị gia tăng cho quỹ đất sẽ là chìa khóa quan trọng giúp các doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững trong giai đoạn mới này.