Bao giờ Việt Nam tự chủ công nghệ sản xuất năng lượng?

00:00 12/10/2020

Ngành năng lượng của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, phần lớn là nhập từ Trung Quốc. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện, mà còn liên quan tới an ninh năng lượng.

Những ngày gầy đây, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời cho biết rất khó mua tấm pin mặt trời. Theo bà Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc CTCP công nghệ năng lượng mới JL Việt Nam, việc "cháy hàng" với tấm pin mặt trời là có thật. Không chỉ hàng ở Việt Nam không còn, mà đối tác ở bên Trung Quốc cũng không nhận đơn.

Tấm pin mặt trời chủ yếu nhập từ Trung Quốc

Trên một số diễn đàn về pin mặt trời đã xuất hiện các thông tin như "chỉ còn 6 MW pin, đẩy nốt là đóng đơn", "Pin hết rồi, lấy gì để bán đây"... Những thông tin này ngay lập tức nhận được mối quan tâm của nhiều người bởi "cơn sốt" điện mặt trời, nhất là các dự án áp mái vẫn chưa hạ nhiệt khi ngày 31/12/2020 mới hết thời hạn hưởng giá bán điện ưu đãi.

tam-pin-nang-luong-mat-troi-2-2810-16003

Tấm pin mặt trời chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Theo thông tin từ một doanh nghiệp, nguyên nhân thiếu hụt pin mặt trời là do có nhà máy sản xuất silicon tại Trung Quốc gặp sự cố nên đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu để sản xuất tấm pin, dẫn tới sản lượng pin mặt trời sụt giảm. Chính phủ Trung Quốc cũng mới quyết định gia hạn chính sách ưu đãi về phát triển năng lượng mặt trời trong nước, nên loại thiết bị này đang rất đắt hàng.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hà Đô cho biết, hiện nay, những nước phát triển như Mỹ, Đức không còn sản xuất tấm pin mặt trời mà đã chuyển sang một nước thứ ba là Trung Quốc. Trung Quốc rất nhanh nhạy trong việc cập nhật tiến bộ khoa học để sản xuất ra các tấm pin mặt trời có công suất rất cao. Vì vậy, hiện nay, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu tấm pin từ nước này.

Trước quan điểm cho rằng Việt Nam cũng cần tính tới kế hoạch làm chủ công nghệ sản xuất năng lượng để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc như hiện nay, ông Vinh khẳng định nếu làm được sẽ rất tốt cho các doanh nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo, nhưng rất khó khăn.

"Nếu xác định tự sản xuất được thì giá thiết bị của Việt Nam phải rẻ hơn hàng nhập khẩu. Đấy là nói tới thiết bị sản xuất điện mặt trời, còn công nghệ điện gió thì có lẽ rất khó khăn. Những nước như Đức, Phần Lan, Mỹ, Thụy Điển sản xuất được tuabin gió nhưng họ đã đi trước hàng trăm năm", ông Vinh nói.

Công nghệ sẽ quyết định "cuộc chơi"

Theo PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, công nghệ sản xuất năng lượng cho đến nay vẫn chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, dù là công nghệ của nhiệt điện than, nhiệt điện khí hay điện tái tạo.

"Tại sao nước ta sau bao năm phát triển ngành năng lượng vẫn nhập khẩu công nghệ là chính mà không xây dựng được ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng? Trong khi đó, ngành năng lượng một năm đầu tư rất lớn mà không có ngành công nghiệp công nghệ năng lượng thì có lẽ chúng ta cần xem lại", ông Nghĩa đặt vấn đề.

Đặc biệt, theo chuyên gia này, Bộ KH&CN đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng một chiến lược nội địa hóa các hạng mục của ngành năng lượng, nhưng các đơn vị đảm nhiệm chưa hiện thực được mong muốn đó, phải chăng là do chưa nỗ lực? Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã làm rất nhiều và rất tốt.

Trước thực tế trên, ông Nghĩa cho rằng: "Có lẽ những người đang đầu tư cho điện mặt trời, điện gió thì sau một vài năm đầu tư nhà máy rồi, đến một lúc nào đó cũng phải nghĩ tới chuyện nên phát triển công nghệ chứ không thể đi nhập thiết bị về mãi. Chúng ta cần phải nghĩ tới chuyện xây dựng một ngành công nghiệp công nghệ năng lượng".

Ông Nghĩa nhấn mạnh, có thể việc nhập khẩu thiết bị sẽ dễ làm, thuận lợi, chắc ăn hơn, nhưng việc tự chủ công nghệ sản xuất năng lượng rất quan trọng, đó là điều kiện tiên quyết để hạ giá thành sản xuất điện. Đồng thời, chính sách Nhà nước cũng cần phải động viên, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trên thế giới, công nghệ năng lượng sẽ có tác động lớn nhất đến cách sản xuất năng lượng vào năm 2040. Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia cấp cao, Hội đồng Năng lượng thế giới tại Việt Nam, cho biết khẳng định này là kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học hàng đầu do Hội đồng Năng lượng thế giới chủ trì tại trên 100 nước về xu hướng sử dụng năng lượng và xu hướng công nghệ mới trong tương lai (từ nay đến năm 2040).

Vậy, công nghệ nào sẽ có tác động lớn nhất đến cách sản xuất năng lượng vào năm 2040? Ông Tuấn cho biết, trước tiên là các thiết bị lưu trữ năng lượng. Các chuyên gia giải thích rằng việc lưu trữ năng lượng sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành năng lượng vào năm 2040. Bởi vì nó có thể xử lý các biến động khác nhau của nhu cầu tiêu thụ điện, đặc biệt là khi có sự thay đổi lớn về nguồn cung. Lưu trữ điện có khả năng làm hài hòa cung và cầu một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, các tấm pin mặt trời cải tiến sẽ có tác động lớn nhất đến việc sản xuất năng lượng. Với sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, các tấm pin mặt trời ngày càng rẻ và hiệu quả hơn. "Đây là những khuyến nghị mà Việt Nam nên lưu tâm", ông Tuấn nhấn mạnh.

Lê Thúy