Sáng 11/5, tại Trung tâm hội nghị triển lãm tỉnh Bình Dương, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai quy định của Ban Bí thư về báo chí xuất bản và xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025) khu vực phía Nam.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, dự và chủ trì hội nghị. Ngoài ra, tham dự hội nghị còn có các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng: Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Các đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông; Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cùng tham dự hội nghị.
Các quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII gồm: Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 7/10/2022 về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội; Quy định số 99-QĐ/TW, ngày 27/2/2023 về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng; Quy định số 100-QĐ/TW, ngày 28/2/2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản; Quy định số 101- QĐ/TW, ngày 28/2/2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí.
Tại hội nghị, các báo cáo viên trình bày những nội dung cơ bản, cốt lõi trong các quy định trên.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - Lại Xuân Môn nhận định: 4 quy định mới được quán triệt tại hội nghị là những văn bản rất quan trọng, khẳng định sự quan tâm sâu sắc, vai trò trực tiếp, toàn diện của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; có tác động trực tiếp đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong cả nước. Nội dung các quy định thể hiện nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, cần được quán triệt, triển khai nghiêm túc, bài bản, thật sự đi vào cuộc sống, áp dụng thống nhất trong cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo, các cấp Hội cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chất lượng, có tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, chân thực, chạm tới cảm xúc của khán giả, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; quán triệt tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Các cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp, có thể coi là những chuyên gia, người am hiểu sâu về lý luận, ngoại giao, kinh tế, nghệ thuật, công nghệ, chuyển đổi số… Đầu tư nhiều hình thức thể hiện, chuyển tải đa dạng, phong phú để trở thành “món ăn tinh thần hàng ngày” không thể thiếu của không chỉ người dân mà cả các nhà quản lý. Mỗi người làm báo phải luôn không ngừng trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật thông tin; năng động, sáng tạo, bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng công nghệ mới. Làm rõ vấn đề cơ chế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động báo chí.
PV (t/h)