Nhà máy điện hạt nhân Gösgen ở Thụy Sĩ. Tại khu vực Asean, các quốc gia có quan điểm khác nhau về việc khai thác năng lượng hạt nhân. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào trong khu vực đạt được vận hành thương mại một nhà máy điện hạt nhân (Ảnh: ST). |
Mặc dù đã trải qua nhiều năm thảo luận, năng lượng hạt nhân vẫn đang ở giai đoạn sơ khai tại Đông Nam Á khi chưa có quốc gia nào đạt được vận hành thương mại. Tuy nhiên, các công nghệ mới như lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) đang khơi dậy mối quan tâm trở lại.
Mặc dù SMRs hứa hẹn những tiến bộ đáng kể về an toàn, hiệu quả chi phí và hiệu suất, việc triển khai những lò phản ứng loại này lại phụ thuộc vào khả năng của các quốc gia trong việc phát triển chuyên môn kỹ thuật cần thiết và khung pháp lý phù hợp.
Theo một báo cáo của Bloomberg, tại Đông Nam Á, Mỹ được cho là đang đàm phán với một số quốc gia – bao gồm Singapore, Philippines và Thái Lan – về việc triển khai SMRs.
Nếu Washington tiếp tục các cam kết năng lượng với các đối tác quốc tế dưới thời chính quyền sắp tới của ông Donald Trump, điều này có thể đánh dấu một sự thay đổi tiềm năng trong bối cảnh năng lượng của khu vực.
Tình hình hiện tại
Các quốc gia thành viên ASEAN có sự khác biệt về mức độ sẵn sàng khai thác năng lượng hạt nhân, với Indonesia, Philippines và Việt Nam được coi là những quốc gia đi đầu. Đáng chú ý, chưa có quốc gia nào trong khối ASEAN đạt được vận hành thương mại của một nhà máy điện hạt nhân.
Với ba lò phản ứng nghiên cứu đang hoạt động, Indonesia luôn là "người đi đầu trong khoa học hạt nhân", hợp tác với các quốc gia như Nga và Mỹ để phát triển các nhà máy điện hạt nhân, theo ông Alvin Chew, chuyên gia cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS).
Philippines là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có một nhà máy điện hạt nhân, nhưng nhà máy Bataan chưa từng hoạt động kể từ khi được xây dựng vào những năm 1980 do lo ngại về an toàn. Nước này đang xem xét phát triển SMRs do NuScale Power có trụ sở tại Oregon sản xuất.
Tại Việt Nam, nước ta đã cam kết xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận vào năm 2009. Tuy nhiên, các kế hoạch này đã bị hoãn lại vào năm 2016 do những hạn chế về tài chính. Hiện tại, Việt Nam đang cân nhắc khôi phục các kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân để đảm bảo nguồn cung điện ổn định, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cũng đang xem xét triển khai SMRs, với chi phí vốn ban đầu thấp hơn.
Tại Đông Nam Á nói chung, bốn quốc gia đã ký kết Hiệp định 123 với Mỹ, cho phép chuyển giao vật liệu, thiết bị và thông tin hạt nhân. Trong đó, Singapore là quốc gia gần đây nhất ký kết vào ngày 31/7, trong khi ba quốc gia còn lại là Indonesia (hiệp định có hiệu lực từ năm 1981), Việt Nam (năm 2014) và Philippines (tháng 7/2024).
Hiệp định này là một cơ chế kiểm soát xuất khẩu, tập trung vào nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân. “Vì Mỹ luôn đi đầu trong vấn đề an ninh hạt nhân, lập trường lâu dài của họ về không phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ không thay đổi đối với Đông Nam Á, khu vực được chỉ định là khu vực không có vũ khí hạt nhân theo hiệp ước không phổ biến”, ông Chew nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, Mỹ đang cố gắng giành lại vị thế cạnh tranh trong ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu, sau khi để mất thị phần vào tay Nga và có thể là Trung Quốc.
Nhà máy điện hạt nhân Bataan tại Philippines vẫn chưa được đưa vào sử dụng kể từ khi xây dựng vào những năm 1980, do các lo ngại về an toàn (Ảnh: BT). |
Chưa sẵn sàng về mặt kỹ thuật
Các chuyên gia chỉ ra rằng các quốc gia ASEAN hiện chưa có đủ chuyên môn kỹ thuật và sẵn sàng về quy định để áp dụng các lựa chọn năng lượng hạt nhân, đặc biệt là SMRs.
Ông Chew lưu ý rằng hiện chỉ có hai SMRs đang được triển khai, bao gồm lò phản ứng nổi Akademik Lomonosov đang hoạt động tại Pevek, Nga; và HTR-PM tại Shidaowan, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Ông Grant Hauber, cố vấn tài chính năng lượng chiến lược khu vực châu Á tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), cho biết: “Thực tế là chuyên môn kỹ thuật để điều tiết và giám sát một chương trình hạt nhân là rất phức tạp và tốn kém để thiết lập”.
Theo ông, việc kiểm tra thiết kế, thử nghiệm, lưu trữ và xử lý chất thải hạt nhân, cũng như lên kế hoạch ứng phó các kịch bản thảm họa, là những yếu tố cần được cân nhắc.
Yếu tố chi phí
Tiêu thụ năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng đáng kể trong thời gian tới. Một số tập đoàn công nghệ lớn như Google, Microsoft và Amazon đã tìm đến SMRs như một nguồn năng lượng tiềm năng để vận hành các trung tâm dữ liệu của họ.
SMRs hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích, với công suất đầu ra nhỏ hơn, tương đương với một nhà máy nhiệt điện than hoặc khí đốt. Do đó, SMRs có thể thay thế trực tiếp các nhà máy nhiên liệu hóa thạch có cường độ phát thải carbon cao. Tuy nhiên, theo ông David Thoo, nhà phân tích cấp cao về năng lượng và năng lượng tái tạo của BMI, SMRs vẫn có chi phí vốn ban đầu cao hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió.
Ông Hauber cũng nhấn mạnh rằng SMRs chưa được chứng minh là rẻ hơn, với các thông báo gần đây từ các nhà sản xuất tiềm năng cho thấy chi phí đã tăng lên ngang bằng với các nhà máy lớn. Hơn nữa, mặc dù SMRs có thể đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải, nhưng cần phải xây dựng một số lượng lớn các lò phản ứng này để đạt được tác động đáng kể.
Con đường dài phía trước
Các chuyên gia cảnh báo rằng ASEAN vẫn còn nhiều thách thức trong việc áp dụng năng lượng hạt nhân.
Ông Thoo của BMI dự đoán rằng việc phát triển năng lượng hạt nhân sẽ khó xảy ra trước năm 2033, trong khi ông Hauber của IEEFA cho rằng việc triển khai năng lượng hạt nhân tại ASEAN vẫn là “một viễn cảnh của thập niên 2040”.
Bên cạnh vấn đề tài chính, khi năng lượng hạt nhân hiện là loại hình năng lượng đắt đỏ nhất, thời gian xây dựng nhanh nhất cho một nhà máy hạt nhân quy mô đầy đủ hiện nay là khoảng tám năm mỗi đơn vị. Điều này giả định rằng địa điểm đã được xác định, các nghiên cứu và phê duyệt về môi trường đã hoàn tất, cùng với một thiết kế được cơ quan quản lý xem xét hoặc phê duyệt, ông Hauber cho biết.
Một thách thức lớn mà Asean cần vượt qua là sự chấp nhận của công chúng, do hiểu biết còn hạn chế về năng lượng hạt nhân trong khu vực.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Chew từ RSIS nhận định rằng theo thời gian, năng lượng hạt nhân sẽ được áp dụng rộng rãi hơn, khi khu vực hiểu rõ vai trò của nó trong việc xây dựng một tương lai bền vững.