Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cùng 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước và Nguyễn Thị Minh Thúy chủ trì hội nghị.
9 tháng năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực, khởi sắc. Đặc biệt, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ có mức tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng ước tăng 6,80%, (cùng kỳ năm trước 6,41%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,10%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,0%; khu vực dịch vụ tăng 8,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,08%.
Nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật, vui chơi giải trí được tổ chức rộng khắp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh tạo không khí vui tươi phấn khởi trong các tầng lớp Nhân dân. Các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng được triển khai kịp thời, đầy đủ. Nhiều sự kiện kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội được tổ chức, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội luôn thực hiện tốt, an ninh biên giới tiếp tục ổn định. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, khiếu kiện được nghiêm túc thực hiện…
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) có tăng hơn so cùng kỳ, nhưng còn thấp hơn kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024; thu hút dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm còn hạn chế. Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Nguồn cung vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm của tỉnh còn khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đề nghị: Từ nay đến cuối năm 2024, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ từng ngành, từng địa phương; tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, để đề ra nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể của từng ngành và địa phương, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tập trung các dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh, nhất là Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa phận tỉnh An Giang. Trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn cung vật liệu phục vụ các dự án.
Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thay đổi phương pháp làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc. Các ngành, địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh, lưu ý quy hoạch chung thành phố Long Xuyên, quy hoạch các khu kinh tế cửa khẩu, các quy hoạch phân khu. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị.
Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực; thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, chăm lo đời sống Nhân dân. Ngoài ra, quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; đảm bảo an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, chủ động phối hợp chuẩn bị chu đáo tổ chức kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024) và tưởng niệm 198 năm Ngày mất bà Châu Thị Tế (1826 - 2024); Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang.