Khu KTCK là công cụ phổ biến để chính quyền các nước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với việc xây dựng và phát triển quan hệ đối ngoại. Tất cả các nước trên thế giới đều có các đặc khu kinh tế, cơ chế ưu đãi cho KTCK để đẩy mạnh giao lưu thông thương, tận dụng được hàng hóa rẻ, công nghệ phát triển của láng giềng.
Ông Kiên cho biết, nhìn sang các khu kinh tế bên kia của Trung Quốc chúng ta sẽ thấy là Trung quốc có 2 quan điểm phát triển mà Việt Nam cần phải học.
Một là phát triển có mũi nhọn. Mở cặp cửa khẩu nào là do chính quyền Trung ương quyết định và Trung ương tập trung kinh tế, chính sách… hỗ trợ địa bàn đó. Sau khi khu vực cửa khẩu đó phát triển xong rồi thì đóng cặp cửa khẩu đó lại hoặc là hạ mức ưu tiên đầu tư cửa khẩu đó xuống để chuyển sang cặp cửa khẩu khác.
Hai là Nhà nước “mồi”, bỏ tiền đầu tư hạ tầng để cho nơi ấy phát triển.
Theo ông Kiên, "cách làm đó, chúng ta chưa làm được. Chúng ta không có nhiều tiền để đầu tư, nhưng chúng ta vẫn cứ rải mành mành mỗi nơi một ít, không thấm vào đâu, không tạo thế bật lên, bức phá lên được.
Chúng ta cần phải lựa chọn và chấp nhận quan điểm có nơi giàu trước, có nơi giàu sau".
Ông Kiên cho rằng, căn bệnh chung của chúng ta là dàn trải, trong mọi lĩnh vực, tập trung nguồn lực đầu tư là điều ai cũng biết, nhưng lựa chọn để tập trung cho trúng cho đúng lại không phải là điều dễ, đòi hỏi có cái nhìn thực tế từ địa phương.
Nhiều hay ít phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng địa phương, địa phương phải tự quyết định. Khu KTCK đó, địa phương có thấy cần không, có phải làm và làm thế nào để phát triển. Nhà nước lựa chọn cửa khẩu quốc tế, địa phương lựa chọn cửa khẩu quốc gia, lối mòn cửa khẩu. Và không nên trông chờ hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. Tự mỗi địa phương thấy mô hình kinh tế nào phù hợp để tập trung mũi nhọn phát triển", ông Kiên nhấn mạnh.
Mô hình Khu KTCK hiện nay đòi hỏi phải có kế hoạch phát triển đô thị, kinh tế-xã hội, cơ chế quản trị và thực thi chính sách hiệu quả, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lực lượng lao động, liên kết kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Có như vậy mới tận dụng được lợi thế Khu KTCK, đồng thời góp phần tăng trưởng, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh- quốc phòng.
Khu KTCK không đơn thuần chỉ là nơi trung chuyển, buôn bán mà phải gắn với sản xuất; là “hậu cứ” với khu dân, cơ sở sản xuất, chuỗi sinh thái sản xuất hàng hóa cung ứng cho nước láng giềng; Gắn với sản xuất là phải gắn với nơi ở, an sinh xã hội… cho người lao động, chuỗi logistics.
Từ những phân tích đó, ông Kiên đề xuất 9 nhóm định hướng phát triển Khu KTCK trong thời gian tới: Khu KTCK kiểu mới là khu tích hợp đa mục tiêu gồm kinh tế, an ninh-quốc phòng và ngoại giao; Có chính sách đột phá về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi; Phát triển hài hòa không gian sản xuất, đô thị và văn hóa; ưu tiên phát triển theo chiều dọc trước; Phát triển hạ tầng đồng bộ; Áp dụng công nghệ cao; hài hòa quyền lợi doanh nghiệp, người lao động, coi người lao động là đối tượng ưu tiên đầu tư; chú trọng bảo vệ môi trường.
Thanh Hà