7 giải pháp phát triển logistics gắn với thực hiện Chiến lược hàng hoá xuất nhập khẩu

09:43 24/10/2022

Sự lên ngôi của các xu hướng vận chuyển, logistics và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường mới nổi đầy tiềm năng. Tuy nhiên, để biến thị trường logistics từ tiềm năng thành hiện thực, cần một chính sách tổng thể từ thu hút đầu tư tới cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính…

Ảnh minh họa

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương cho biết, trong thời gian qua, hoạt động logistics Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc và kinh ngạch xuất nhập khẩu rất lớn. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kinh ngạch đạt 557,93 tỷ USD, xuất khẩu đạt 282,35 tỷ USD, tăng 17,2%; nhập khẩu đạt 275,58 tỷ USD, tăng 12,8%. Đặc biệt, xuất siêu trong 9 tháng đầu năm đạt 6,77 tỷ USD.

“Nếu so sánh với một số nước trong khu vực như Malaysia, Philippines… năng lực và khả năng của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào xuất nhập khẩu rất lớn”, ông Chinh khẳng định.

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường Logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 – 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch Covid với GDP sau 9 tháng đầu năm 2022 đạt mức 8,93%.

Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 nêu rõ mục tiêu "xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Theo đó, về xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 – 2030. Tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu vào châu Âu, châu Mỹ.

Cụ thể, định hướng xuất khẩu hàng hoá theo hướng bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Định hướng phát triển với nhóm hàng nông, lâm thủy sản và nhóm hàng công nghiệp chế biến.

Về nhập khẩu hàng hoá, theo ông Chinh, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu. Kiểm soát việc nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước sản xuất được, hàng xa xỉ, hàng hóa không thiết yếu. Tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

Ông Chinh cho biết định hướng phát triển thị trường, đa dạng hóa thị trường, tận dụng hiệu quả cơ hội từ FTA, đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu. 

Ảnh minh họa 

Để thực hiện mục tiêu này, các giải pháp cần thực hiện cho mục tiêu xuất khẩu hàng hoá. Trong đó, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đặc biệt nhấn mạnh tới những giải pháp cũng như định hướng phát triển logistics gắn với thực hiện Chiến lược hàng hoá xuất nhập khẩu bởi logistics là mắt xích kết nối tất cả chuỗi xuất khẩu hàng hoá từ sản xuất, tổ chức xuất khẩu tới thị trường.

Cụ thể, thứ nhất, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường. Phát triển các dịch vụ logistics trọn gói, đồng bộ, phấn đấu giảm chi phí logistics để tăng lợi thế cạnh tranh của hàng hóa.

Thứ hai, ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ, tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử theo xu hướng phát triển trên thế giới và khu vực. Phát triển logistics hàng không.

Cần hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường.

Thứ ba, hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường.

Thứ tư, phát triển các dịch vụ logistics lạnh, kho lạnh, container lạnh để phục vụ hàng nông sản, đặc biệt là hàng nông sản chất lượng cao.

Thứ năm, phát triển thị trường dịch vụ logistics, tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm. tăng cường kết nối các doanh nghiệp trong ngành hợp tác chia sẻ các lợi thế.

Thứ sáu, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics. Tiếp tục mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực và vươn ra thế giới.

Thứ bảy, phát triển logistics xanh, logistics ngược nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện nay, thị trường logistics Việt Nam đang có sự tham gia của khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp. Trong đó, 89% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp 100% có vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn trong danh sách 50 công ty logistics lớn nhất thế giới như: Kuehne + Nagel, DHL Supply Chain & Global Forwarding, DSV, DB Schenker…

An Thảo