37% lao động ngành sản xuất phải làm thêm ngoài để cải thiện thu nhập

10:35 07/08/2023

Để ứng phó khó khăn hiện nay, 60% lao động chọn phương án cắt giảm chi phí sinh hoạt, 37% tìm việc làm thêm từ bên ngoài và 3% tăng ca nhiều hơn khi có cơ hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Số liệu thống kê từ Navigos Group , nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam mới đây cho thấy, hơn 50% doanh nghiệp (DN) mỗi ngành sản xuất ghi nhận sụt giảm từ dưới 10% đến trên 40% tổng doanh thu.

Để ứng phó với khó khăn, một bộ phận doanh nghiệp sẽ chọn thu hẹp quy mô sản xuất với hình thức đóng cửa nhà máy, giảm dây chuyền, bớt giờ làm và cắt giảm lao động.

Theo thống kê, có 58% người lao động ngành sản xuất bị cắt giảm 30 - 50% tổng lương, 34% bị cắt giảm 10% tổng lương, 6% người lao động bị cắt giảm 10 - 30% tổng lương. Chỉ có 2% bị cắt giảm hơn 50% tổng lương. Cùng đó, người lao động cũng bị cắt giảm giờ làm, giảm tiền tăng ca và không nhận được trợ cấp như thường lệ.

Bên cạnh giảm lương, người lao động cũng mất thu nhập từ nguồn tăng ca, không được nhận các khoản trợ cấp như thường lệ.

Để ứng phó khó khăn, 60% lao động chọn phương án cắt giảm chi phí sinh hoạt, 37% tìm việc làm thêm từ bên ngoài và 3% tăng ca nhiều hơn khi có cơ hội.

Cắt giảm chi phí sinh hoạt là phương án gần như đầu tiên khi lao động gặp khó khăn về tài chính, thu nhập giảm do ít việc. Khảo sát do Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện khi Covid-19 bùng phát năm 2021 cũng cho kết quả tương tự khi 21% lao động được hỏi đã trả lời phải ăn nhiều mì tôm hơn; 48% người phải giảm lượng thịt hàng ngày; 22% lao động phải chuyển từ mua sắm hàng ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% trường hợp lựa chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa.

Ngoài ra, 11% phải vay mượn tiền của người thân; 0,3% phải vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội.

Một tín hiệu tích cực ghi nhận từ khảo sát của Navigos Group là người lao động đã chọn cách nâng cao kỹ năng và tay nghề để duy trì lợi thế cạnh tranh. Phần lớn người lao động chọn nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng quản lý tài chính và kỹ năng ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Để ổn định cuộc sống, duy trì công việc, 35% người lao động mong muốn không bị cắt giảm lương, 28% mong muốn được đảm bảo hợp đồng dài hạn, 28% mong muốn được duy trì trợ cấp/ phúc lợi và 9% mong muốn được đảm bảo đủ số giờ làm việc.

Báo cáo Thực trạng nhân sự ngành Sản xuất 2023 của Navigos Group được thực hiện từ khảo sát ý kiến của hơn 1.000 người lao động và 500 DN trên thị trường, tại các ngành trong lĩnh vực Sản xuất, bao gồm: Ngành Công nghệ cao; ngành Dệt may/Da giày; ngành Dược phẩm/Công nghệ sinh học; ngành Nông nghiệp/Lâm nghiệp; ngành Sản phẩm công nghiệp; ngành Sản xuất hàng tiêu dùng/Thực phẩm; ngành Sản xuất vật liệu xây dựng; ngành Tự động hóa/Ô tô; và các ngành khác.

Cũng theo báo cáo thực trạng nhân sự ngành sản xuất 2023 của đơn vị nghiên cứu thị trường lao động Navigos Group nêu nhận định: "Hiện hầu hết doanh nghiệp sản xuất đang đẩy mạnh áp dụng tự động hóa vào hoạt động của doanh nghiệp".

Theo đó, ngành công nghệ cao có 52% doanh nghiệp áp dụng tự động hóa cho tất cả các khâu. Ngành ô tô có đến 82% doanh nghiệp áp dụng cho khâu sản xuất. Những ngành thâm dụng lao động như dệt may - da giày cũng có 60% doanh nghiệp áp dụng cho khâu sản xuất.

Theo chuyên gia của Navigos Group, hiện hầu hết các doanh nghiệp đều đang áp dụng tự động hóa cho một số khâu hoặc tất cả các khâu. Do đó, người lao động cần cập nhật kiến thức và kỹ năng liên tục để có thể vận hành, điều khiển được máy móc. Từ đó, người lao động mới có thể thích nghi và tiếp tục phát triển công việc.

9 ngành nghề thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động nhiều nhất

Ngành công nghệ cao, 56% DN chọn giải pháp thu hẹp bằng cách cắt giảm lao động.

Ngành dệt may/da giày, 52% DN chọn cách giảm giờ làm.

Ngành dược phẩm/công nghệ sinh học, 50% DN chọn giải pháp giảm giờ làm.

Ngành nông nghiệp/lâm nghiệp, có 38% DN cắt giảm lao động và 33% giảm giờ làm.

Ngành sản phẩm công nghiệp, có 46% DN giảm giờ làm.

Ngành sản xuất hàng tiêu dùng/thực phẩm, với 42% DN giảm giờ làm và 38% DN cắt giảm lao động.

Ngành sản xuất vật liệu xây dựng, có 38% DN chọn cách giảm giờ làm và 34% cắt giảm lao động.

Ngành tự động hóa/ô tô, có 52% DN áp dụng giải pháp cắt giảm lao động.

Các ngành khác, cũng có đến 42% buộc phải cắt giảm lao động để duy trì kinh doanh.

Mai Anh (t/h)