3 thách thức với ngành nông nghiệp trong năm 2019

00:00 12/10/2020

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp có 3 thách thức rất lớn về tính bền vững trước thiên tai, tính nhỏ lẻ trong chuỗi liên kết giá trị nông sản và vấn đề biến động thị trường.

Kinh tế năm 2018 chứng kiến nhiều kết quả toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, đóng góp trong đó, khu vực nông, lâm, thuỷ sản đóng góp mức tăng trưởng 3,76%, khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả.

Khu vực nông, lâm, thuỷ sản đóng góp mức tăng trưởng 3,76% vào tăng trưởng kinh tế 2018. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Địa phương "sục sôi" xúc tiến nông sản

Cùng với đó, giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này.

Cụ thể, sản xuất nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2012-2018, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,46%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm còn lâm nghiệp tăng 6,01% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,05 điểm phần trăm.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018, lãnh đạo Chính phủ gần 20 lần trực tiếp chỉ đạo các Hội nghị của toàn ngành nông nghiệp. Sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng kỷ lục. 

Trước đó, vào năm 2016, từ con số tăng trưởng âm 6 tháng đầu năm, đến cuối năm toàn ngành đạt mức tăng trưởng 1,39%. Sang năm 2017 mức tăng trưởng là 2,9% và năm nay là 3,76%, cán đích 40 tỷ USD trong bối cảnh nông sản toàn cần xuống giá.

“Mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo địa phương, chưa năm nào các đồng chí lãnh đạo địa phương lại "sôi sục" xúc tiến nông sản như năm nay”, Bộ trưởng nhấn mạnh

Ba thách thức thời gian tới

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ N&PTNT cũng lưu ý, còn ba thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp trong năm tới mà “nếu chủ quan sẽ rất gay go”.

Thứ nhất, vấn đề về tính bền vững của sản xuất trước tác động của thiên tai. “Những diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu gây tác động tới sản xuất và cơ sở hạ tầng ngành nông nghiệp, đây là thách thức lớn nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định. 

Thứ hai, vấn đề chuỗi liên kết, theo Bộ trường, lĩnh vực nào của ngành nông nghiệp cũng có liên kết, tuy nhiên liên kết quy mô còn hạn chế, vẫn chủ yếu là sản xuất hộ nhỏ lẻ dẫn tới không kiểm soát được chặt chẽ, rất rủi ro về thị trường

Thứ ba, nguy cơ về thị trường xuất khẩu. Theo Bộ trưởng, với thị trường rộng mở 40 tỷ USD và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng khiến Việt Nam dễ dàng bị tác động trước bất cứ biến động nào.

Để vượt qua những thách thức đó, Bộ trưởng nhấn mạnh cần thực hiện sâu sắc hiệu quả hơn tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời, sản xuất chú trọng đi vào chất hơn. Đặc biệt, tập trung nhóm giải pháp đồng bộ nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

“Đồng hành chặt chẽ cùng các doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là hạt nhân trong liên kết 4 nhà để thực hiện cho được mục tiêu Nghị quyết năm 2019 Chính phủ đề ra”, Bộ trưởng nhấn mạnh.