Nói về các hành vi vi phạm mà nhân sự cấp cao trong doanh nghiệp thường mắc phải, bà Duy nhấn mạnh ba nhóm hành vi khi chia sẻ trong Hội nghị Luật lao động Việt Nam 2023:
Một trong những hành vi vi phạm phổ biến nhất mà nhân sự cấp cao thường mắc phải là xung đột lợi ích. Xung đột lợi ích xảy ra khi lợi ích cá nhân của nhân sự cấp cao va chạm hoặc ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công việc của họ. Điều này có thể dẫn đến những tình huống khó khăn và thậm chí khủng hoảng trong doanh nghiệp.
Pháp luật lao động hiện hành không có quy định cụ thể về xung đột lợi ích trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tham nhũng đã đề cập đến vấn đề này. Theo Điều 29 của Nghị định 59/2019 của Chính phủ, có sáu hành vi mà nhân sự cấp cao có thể phạm vào xung đột lợi ích.
Hành vi đầu tiên là việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân có liên quan đến công việc mà họ đang giải quyết hoặc quản lý.
Hành vi thứ hai là việc tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân khác trong và ngoài nước về công việc liên quan đến bí mật công tác hoặc quyền hạn giải quyết.
Hành vi thứ ba là sử dụng thông tin nhận được từ chức vụ và quyền hạn để vụ lợi hoặc phục vụ lợi ích của các tổ chức hoặc cá nhân khác.
Hành vi thứ tư là ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của người thân hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của họ tham gia vào các gói thầu của các cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị mà họ có quyền quản lý.
Hành vi thứ năm liên quan đến việc có người thân có quyền và lợi ích trực tiếp liên quan đến nhiệm vụ và công việc của nhân sự cấp cao.
Hành vi thứ sáu là can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác vì mục đích cá nhân.
Theo các chuyên gia pháp lý, áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định này không chỉ áp dụng cho cơ quan nhà nước mà còn cho các tổ chức ngoài nhà nước. Điều này có nghĩa là nhân sự cấp cao có thể vi phạm xung đột lợi ích khi cạnh tranh trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp của mình.
Cụ thể, nhân sự cấp cao có thể thành lập, tham gia quản lý hoặc điều hành các doanh nghiệp, công ty có ngành nghề tương tự với doanh nghiệp mà họ đang được thuê để điều hành quản lý. Họ cũng có thể góp vốn vào các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề giống hoặc tương tự với doanh nghiệp mà họ đang quản lý hoặc các doanh nghiệp của người thân.
Một hành vi xung đột lợi ích khác là tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Có ba hành vi phổ biến trong nhóm này.
Hành vi đầu tiên là tiết lộ, trao đổi hoặc bàn tán bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của doanh nghiệp cho bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào mà không được sự đồng ý của doanh nghiệp hoặc mục đích phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hành vi thứ hai là sao chép bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của doanh nghiệp mà không được sự đồng ý của doanh nghiệp hoặc mục đích phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hành vi thứ ba là mang tài liệu chứa bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của doanh nghiệp ra khỏi phạm vi doanh nghiệp mà không được sự đồng ý của doanh nghiệp hoặc mục đích phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhóm hành vi vi phạm thường gặp thứ hai của nhân sự cấp cao trong doanh nghiệp là ưu ái do quan hệ tình cảm, nhân thân hoặc quan hệ khác với nhân viên cấp dưới.
Cụ thể, nhân sự cấp cao thường ưu ái những ý kiến của nhân viên cấp dưới mà họ có quan hệ tình cảm hoặc quan hệ khác, và bỏ qua những ý kiến của các nhân viên khác.
Ngoài ra, nhân sự cấp cao cũng có thể lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để che đậy các sai phạm của nhân viên cấp dưới mà họ có quan hệ thân cận.
Nhóm vi phạm thường gặp thứ ba của nhân sự cấp cao trong doanh nghiệp là thiếu trách nhiệm quản lý dẫn đến việc doanh nghiệp bị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt hành chính.
Các hành vi này bao gồm: không ký hợp đồng lao động với người lao động, không đóng đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, không thực hiện các thủ tục đăng ký phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các hành vi vi phạm hành chính khác.
Theo bà Lạc Tú Duy, những vi phạm này của nhân sự cấp cao có thể gây tổn hại đến tài chính của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh, hình ảnh, danh tiếng của doanh nghiệp với các đối tác kinh doanh, nhà cung cấp và khách hàng. Đồng thời, lòng tin của các nhân viên trong nội bộ công ty sẽ bị lung lay nếu nhân sự cấp cao thực hiện các hành vi vi phạm.
Vì tính nhạy cảm và tác động lớn của các hành vi vi phạm do nhân sự cấp cao gây ra, bà Duy nhấn mạnh rằng doanh nghiệp cần xử lý các vi phạm này một cách cẩn trọng, nhanh chóng và có hệ thống. Các biện pháp có thể bao gồm: thiết lập chính sách, quy định rõ ràng và đầy đủ, tăng cường kiểm tra và giám sát, đào tạo nhân viên về đạo đức nghề nghiệp và quyền lợi của công ty, áp dụng các biện pháp kỷ luật và đề cao trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp.
Phạm Vũ