Mỗi GPLX sẽ được cấp 12 điểm mỗi năm
Mỗi GPLX sẽ được cấp 12 điểm mỗi năm. |
Theo Nghị định 168, mỗi GPLX sẽ được cấp 12 điểm mỗi năm. Số điểm này không chỉ đại diện cho quyền tham gia giao thông của người lái xe mà còn thể hiện mức độ tuân thủ pháp luật của họ.
Điểm sẽ bị trừ dần nếu người lái xe vi phạm giao thông. Các hành vi vi phạm được quy định cụ thể với mức trừ điểm khác nhau:
Người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó.
Sau thời hạn ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức.
Nếu vượt qua kiểm tra, người lái xe sẽ được phục hồi toàn bộ 12 điểm và tiếp tục tham gia giao thông.
Người dân có thể theo dõi số điểm còn lại trên GPLX qua VNeID. |
Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh, cơ chế này cũng áp dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo minh bạch và tiện lợi. Thông qua ứng dụng VNeID, người dân có thể theo dõi số điểm còn lại trên GPLX, kiểm tra lịch sử vi phạm và nhận thông báo về tình trạng giấy phép.
Ứng dụng cũng hỗ trợ người lái xe gửi yêu cầu cập nhật thông tin trong trường hợp dữ liệu chưa được đồng bộ, đảm bảo mọi thông tin luôn chính xác và minh bạch.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông cho biết, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân có giấy phép lái xe được cấp trước 1/7/2012 thì nên đổi sang giấy phép lái xe mới; đồng thời nên cập nhật kết nối giấy phép lái xe với ứng dụng VNeID để có thể theo dõi số điểm và tình trạng của giấy phép lái xe dễ dàng.
Theo tìm hiểu, việc xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử đang gặp khó khăn do giấy phép lái xe cũ bằng bìa giấy. Bởi loại giấy phép lái xe này chỉ hiển thị tên, năm sinh của người sở hữu giấy phép lái xe, không có ngày, tháng sinh, nên không đồng bộ được dữ liệu.
Nên đổi GP lái xe cấp trước 1/7/2012. |
Thêm vào đó, người được cấp giấy phép lái xe trước đây chủ yếu sử dụng chứng minh nhân dân 9 số nên việc liên thông, cập nhật dữ liệu cũng gặp khó.
Cơ quan quản lý đã và đang khuyến khích người dân đổi giấy phép lái xe sang vật liệu PET để cập nhật theo thẻ căn cước hoặc căn cước công dân, phù hợp với hệ thống dữ liệu dân cư.
Dù mang lại nhiều kỳ vọng, cơ chế trừ điểm trên GPLX cũng đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình triển khai như việc quản lý điểm số thông qua hệ thống đòi hỏi cơ sở dữ liệu đồng bộ và chính xác. Tuy nhiên, hiện nay nhiều khu vực chưa có đủ điều kiện kỹ thuật để triển khai hệ thống này một cách hiệu quả, dẫn đến nguy cơ sai sót trong cập nhật và xử lý thông tin.
Ngoài ra việc tổ chức kiểm tra phục hồi điểm đòi hỏi nguồn lực lớn từ các cơ quan chức năng, cả về nhân sự lẫn cơ sở vật chất. Nếu không được tổ chức chặt chẽ, quy trình này có thể trở thành gánh nặng và gây ùn tắc hành chính.
Cũng phải kể đến việc không phải người dân nào cũng tiếp cận được các nền tảng như ứng dụng VNeID để theo dõi điểm số GPLX, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa. Điều này có thể gây khó khăn cho việc thông báo và xử lý thông tin liên quan đến GPLX.
Tuy vậy, cơ chế trừ điểm không chỉ dừng lại ở việc xử phạt mà còn mang tính giáo dục và cải thiện hành vi giao thông. Khi nhận thức rõ mỗi vi phạm không chỉ làm mất tiền mà còn ảnh hưởng đến quyền sử dụng GPLX, người lái xe sẽ tự giác hơn trong việc tuân thủ luật giao thông.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về tai nạn và ùn tắc giao thông. Việc triển khai cơ chế này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm phổ biến như vượt đèn đỏ, không thắt dây an toàn, hay sử dụng điện thoại khi lái xe.
Người dân cần chủ động nắm rõ các quy định mới, kiểm tra điểm số GPLX thường xuyên và tuân thủ pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh hơn.