Việt Nam phải cải thiện cơ sở hạ tầng và có cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp SME

00:00 12/10/2020

Quốc hội đã biểu quyết thông qua phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), song song với đó là thành công về kiểm soát dịch COVID-19, bất ổn địa chính trị trên thế giới, chiến tranh thương mại Mỹ Trung tiếp tục diễn biến phức tạp…

Làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất cơ hội, đón nhận được dòng vốn đầu tư chất lượng cao? Làm thế nào để giải quyết được khó khăn căn bản về tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển lớn mạnh, tận dụng cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong vận hội mới?  Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển Châu Á – ADB tại Việt Nam đã đưa ra góc nhìn của mình trong cuộc trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập:

 Ông Nguyễn Minh Cường – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á – ADB tại Việt Nam

Cần tránh trở thành bến đỗ “tạm thời”

ADB nhận định kinh tế Việt Nam sẽ phát triển ra sao về trung và dài hạn sau đại dịch COVID-19 và sau khi các Hiệp định EVFTA và EVIPA chính thức có hiệu lực, thưa ông? 

Ông Nguyễn Minh Cường: Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam trở thành một nền kinh tế mở phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, những đối tác xuất nhập khẩu của Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng trầm trọng, rơi vào suy thoái. Chính vì vậy, kinh tế Việt Nam sẽ không tránh khỏi những tác động mang tính tiêu cực. ADB cũng đã dự báo năm 2020, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 4,1%. Nếu đạt được thì đây cũng là mức tăng trưởng rất cao so với khu vực và thế giới.  

Về trung hạn và dài hạn, ngay từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ADB đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển rất mạnh từ 6.8%-7%/năm, đến nay mức dự báo này vẫn được ADB giữ nguyên cho kịch bản Việt Nam và thế giới kiểm soát tốt dịch COVID-19. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam về trung và dài hạn sẽ dựa trên một số động lực chính. Thứ nhất là cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng lên mạnh mẽ, chính điều này giúp đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, đây là một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam và sẽ tiếp tục là động lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Thứ hai, là sự tham gia đóng góp tích cực của kinh tế tư nhân vào tăng trưởng GDP, ngoài đóng góp của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. 

Logistics vẫn chiếm tỷ trọng quá cao trong tổng chi phí doanh nghiệp

Động lực thứ ba có lẽ là quan trọng nhất, đó chính là sự dịch chuyển đầu tư FDI, dưới tác động của chuyển đổi cơ cấu kinh tế toàn cầu – đặc biệt là dòng chảy thương mại và đầu tư –  từ trước khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch,  và các yếu tố địa chính trị trong khu vực và trên thế giới. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch đã thúc đẩy nhanh hơn và sâu sắc hơn tiến trình chuyển dịch cơ cấu này. Với kết quả đầy tích cực về phòng dịch COVID-19, với thị trường gần 100 triệu dân có mức thu nhập trung bình trên thế giới, với vị trí địa lý thuận lợi để tiếp cận thị trường đầy tiềm năng của Châu Á, với cơ hội tiếp cận các thị trường khác trên thế giới qua các hiệp định thương mại song phương, Việt Nam trở thành điểm sáng đáng để nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới phải cân nhắc lựa chọn đầu tư. 

Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với nhiều nước khác để thu hút vốn đầu tư. Vậy theo ông, đâu sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam? 

Ông Nguyễn Minh Cường: Việt Nam có một số lợi thế để cạnh tranh với những quốc gia khác khi thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, như lao động nhân công chi phí thấp, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, nhiều hiệp định song phương, đa phương được ký kết với Châu Âu, Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, tạo tiền đề cực kỳ thuận lợi cho sản xuất xuất khẩu, sự cam kết và nỗ lực của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... Tuy nhiên, theo tôi lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam so với những quốc gia khác chính là sự ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, và một thị trường nội địa gần 100 triệu dân năng động và nhiều tiềm năng, đặc biệt là tính hiệu quả của hệ thống chính trị đã được thể hiện rất rõ trước và trong đại dịch COVID-19 vừa qua. 

Hạ tầng yếu kém là “yếu điểm” của Việt Nam

Việt Nam mong muốn tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để thu hút được nhà đầu tư vào những dự án như vậy?

Ông Nguyễn Minh Cường: Những nhà đầu tư “chất lượng cao” trước khi đầu tư đều có nghiên cứu kỹ càng, cẩn thận. Họ đầu tư mang tính chất lâu dài, do vậy sẽ cân nhắc nhiều yếu tố chiến lược trước khi quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư được đưa ra xem xét. Ngoài Việt Nam cũng còn nhiều quốc gia khác muốn thu hút đầu tư từ những doanh nghiệp này. Bởi vậy, để thu hút được những dự án đầu tư chất lượng cao,  môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn cần phải được cải thiện rất nhiều, đây cũng chính là một trong những yếu tố được các nhà đầu tư lớn trên thế giới tập trung quan tâm. Ngoài ra, những yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, năng suất lao động, trình độ nguồn nhân lực, tính minh bạch trong kinh doanh, chính sách pháp luật… cũng là những yếu tố góp phần đáng kể vào quyết định lựa chọn đầu tư của những nhà đầu tư “chất lượng cao”. Nếu như Việt Nam không có sự cải thiện đáng kể những yếu tố trên, vấn đề cạnh tranh và thu hút đầu tư từ những nhà đầu tư “chất lượng cao” chỉ là giấc mơ xa vời. Thay vào đó, chúng ta chỉ có thể thu hút được những nhà đầu tư nhỏ lẻ, những nhà đầu tư dịch chuyển “tạm thời”, mang tính chất “tránh bão” trong thời điểm chiến tranh thương mại và đại dịch COVID-19 bùng phát. 

Thị trường 100 triệu dân đầy tiềm năng của Việt Nam rất hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần quan tâm hơn đến dòng đầu tư mua bán sáp nhập công ty (M&A), đặc biệt là ở châu Á.  Do thanh khoản dồi dào vì đầu tư sản xuất bị hạn chế, giá các tài sản (assets) trong khu vực và trên thế giới hiện đang đi xuống. Đặc biệt, để chiếm lĩnh mạng lưới phân phối nội địa sẵn có của các công ty đang trên bờ vực phá sản cũng như tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường dưới danh nghĩa sản xuất nội địa, nhiều nhà đầu tư lựa chọn việc hình thức M&A. Trong thời điểm chính tranh thương mại leo thang diễn biến phức tạp, các dòng đầu tư mua cổ phần doanh nghiệp tăng đột biến. Hiện tượng này vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn của Việt Nam trong quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài. 

ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam thế nào trong việc thu hút nhà đầu tư “chất lượng cao”, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Cường: Như đã nói, một trong những yếu tố được ADB xác định là điểm còn hạn chế của Việt Nam là cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh gây tăng chi phí logistic, như hiện tại theo tính toán, logistic chiếm tới gần 20% tổng chi phí của doanh nghiệp. Chi phí như vậy là quá cao so với tại các nước khác, gây áp lực lên giá thành sản phẩm, khiến nhà đầu tư băn khoăn cân nhắc trước khi đầu tư. Các dự án của ADB tập trung chủ yếu vào phát triển cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu, chiếm tới 70%-80% tổng vốn đầu tư. Nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng được ADB triển khai tại Việt Nam như dự án Metro Hà Nội và TP. HCM, dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai… Trong số đó, dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã giúp chuyển đổi hẳn khu vực Tây Bắc Việt Nam, tạo đà tăng trưởng kinh tế khu vực. Lào Cai trước đây còn tụt hậu nhiều so với Lạng Sơn, Quảng Ninh nhưng từ khi có đường cao tốc, kinh tế Lào Cai đã có sự phát triển vượt trội, đầu tư nước ngoài vào Lào Cai tăng lên đáng kể. Ngoài ra, còn rất nhiều dự án đã và đang được ADB triển khai phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam.

 Việt Nam cần cải thiện rất nhiều nếu muốn thúc đẩy doanh nghiệp SMEs phát triển

Trong thời gian tới, ADB sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam như thế nào trong việc tiếp cận nguồn tài chính – lĩnh vực được coi là khó khăn nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam?

Ông Nguyễn Minh Cường: Theo phân tích của ADB, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, hệ thống ngân hàng, cơ chế tín dụng của Việt Nam so với một số nước khác trong ASEAN được coi là có phần tốt hơn, tỉ lệ tiếp cận vốn của doanh nghiệp Việt Nam khả quan hơn. Tuy nhiên trong và sau khủng hoảng, cơ chế tiếp cận vốn của tổ chức tín dụng tại Việt Nam dành cho doanh nghiệp lại có phần hạn chế, khó khăn hơn so với nhiều nước khác. Trong khủng hoảng gây ra bởi đại dịch COVID-19, Chính phủ nhiều nước đưa ra cơ chế bảo lãnh tín dụng dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên tại Việt Nam, cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp bị tác động của đại dịch chưa phát huy hết hiệu quả. 

Chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi ngày hôm nay!

Tại Việt Nam hiện nay, ngoài ngân hàng thương mại, doanh nghiệp SMEs còn có thể tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác như Quỹ tín dụng nhân dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng Hiệp hội cũng có một quỹ dành riêng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên vấn đề vướng mắc ở đây là cơ chế cho vay của những tổ chức này không khác gì so với cơ chế của ngân hàng, không có cơ chế bảo lãnh tín dụng của Chính phủ như nhiều nước khác. Vì vậy theo tôi, đây là điểm nghẽn gây cản trở khả năng tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Trong thời gian tới, ADB sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức nghiên cứu khảo sát thực tế về khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động bới COVID-19, sau đó sẽ có đề xuất cụ thể để tạo cơ chế bảo lãnh tín dụng linh hoạt hơn cho doanh nghiệp SMEs khi tiếp cận vốn.

Ngọc Thái (t/h)