Tìm động lực cho tăng trưởng những tháng cuối năm

00:00 12/10/2020

Tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng năm 2019 đạt 6,76% - các chỉ số đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh các giải pháp tạo động lực tăng GDP những tháng cuối năm.

6 tháng đầu năm 2019 chứng kiến việc GDP giảm tốc, ông có thể lý giải rõ hơn về vấn đề này?

GDP Việt Nam quý II/2019 đạt mức 6,71%, trong 6 tháng đầu năm đạt 6,76% - các chỉ số đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,69% - thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2018, tuy nhiên những nhóm ngành chủ lực vẫn tăng trưởng ổn định. Ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 2,39%.

tim dong luc cho tang truong nhung thang cuoi nam

Ảnh minh họa

Khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng 8,93%, thấp hơn mức 9,1% của cùng kỳ 2018. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù tăng trưởng mạnh ở mức 11,18% nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ngành khai khoáng lại tăng trưởng ổn định ở mức 1,78% nhờ vào khai thác than tăng cao.

Vậy theo ông, vậy đâu là động lực cho GDP những quý cuối năm 2019 và trong năm 2020?

Động lực tăng trưởng chính kinh tế của Việt Nam sẽ không có sự thay đổi về cấu trúc, nhưng có sự thay đổi về quy mô do tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới hiện nay mang tính bất trắc rất cao.

tim dong luc cho tang truong nhung thang cuoi nam

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Yếu tố tác động mạnh nhất đến GDP Việt Nam những tháng cuối năm là dòng vốn đầu tư. Hiện dòng vốn này đang có khuynh hướng tăng thêm, tuy nhiên, không phải tất cả các dự án đầu tư tốt nhất đều vào Việt Nam. Nguyên nhân do các nhà đầu tư sẽ phải nhìn vào yếu tố dài hơi như: môi trường đầu tư; lực lượng lao động; cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn vẫn có những tác động tích cực do sự dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam.

Về xuất khẩu (XK), đây là yếu tố đóng góp lớn vào GDP của Việt Nam, trong đó, thị trường Mỹ vẫn có sự tăng trưởng và là một điểm sáng về thị trường hàng hóa XK. Tính chung 6 tháng năm 2019, kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường này đạt 27,5%, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những rủi ro, bất trắc mà ông đề cập đến cụ thể là gì?

Kinh tế thế giới chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng trong quý II/2019. Căng thẳng thương mại tiếp tục đặt nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc dưới nhiều bất ổn. Kinh tế châu Âu tăng trưởng ở mức thấp, đồng Euro giảm giá mạnh so với USD và GBP. Nhóm các nước ASEAN cũng đối mặt không ít khó khăn, tăng trưởng giảm diễn ra đồng loạt ở Phillipines, Indonesia và Thái Lan – hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua….

Căng thẳng Nhật Bản – Hàn Quốc ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, và các liên kết kinh tế mới… Kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới.

Với các FTA được ký kết, thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm, tác động đến thu ngân sách, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Các FTA có hiệu lực dẫn đến giảm thuế xuất nhập khẩu và các nguồn thu ngân sách sẽ giảm. Khi đó, chúng ta kỳ vọng vào sự bù đắp một cách bền vững từ sự tăng lên của các hoạt động kinh tế. Đầu tư nhiều hơn, xuất nhập khẩu hàng hóa giao thương sẽ nhiều hơn, mức sống cao hơn… từ đó, thuế sẽ cao hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ đến muộn hơn. Trong bối cảnh này, phải chấp nhận thâm hụt ngân sách trong ngắn hạn và tìm các nguồn khác để bù đắp. Hiện nay, sự bù đắp của nền kinh tế có thể nhìn thấy đó là sự lớn mạnh hơn từ khu vực kinh tế tư nhân.

Trong bối cảnh hiện nay, với các bất trắc đang có cùng với các cơ hội mà các FTA mang lại thì “quả bóng” hoàn toàn ở sân của chúng ta. Tức là ở việc cải cách ở trong nước bao gồm 2 khía cạnh gồm: tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp và cải cách để môi trường nhà nước hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hạnh