Tiếp tục hoàn thiện toàn diện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam

14:13 12/11/2020

Sự đổi mới nhận thức lý luận và cụ thể hóa những đặc trưng của mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (KTTTĐHXHCN) ở nước ta đã được ghi nhận trong các văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc suốt nhiều thập kỷ qua, đặc biệt trong kỳ Đại hội lần thứ XII, đang tiếp tục được hoàn thiện và làm sâu sắc hơn trong Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (dưới đây viết tắt là Dự thảo). Đây là minh chứng cho sự trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê nin vào thực tiễn cách mạng trong bối trong bối cảnh mới, đồng thời, là cơ sở tạo ra những động lực lớn lao trong phát triển cả về chất và lượng của kinh tế Việt Nam…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước hết, Dự thảo khẳng định sự thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển KTTTĐHXHCN.

Báo cáo Chính trị Đại hội XII khẳng định: Nền KTTTĐHXHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nền KTTTĐHXHCN Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội;…

Kế thừa nhất quán tinh thần trên, Dự thảo tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn: KTTTĐHXHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đó là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”….Cần nhấn mạnh rằng, bổ sung yêu cầu “bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước” là cần thiêt, tạo sự linh hoạt và vận dụng hiệu quả nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong chỉ đạo, điều hành thực tiễn Đảng trước mọi biến động nhanh, khó lường của thế giới.

 Dự thảo cũng phân định rõ hơn vai trò, nội dung, yêu cầu và các công cụ quản lý kinh tế của nhà nước trong phát triển và củng cố các quan hệ gắn kết giữa kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, Dự thảo nhấn mạnh và làm rõ hơn mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; nhấn mạnh nguyên tắc doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, áp dụng quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế, lấy hiệu quả kinh tế làm mục tiêu chủ chủ yếu và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Các nguồn lực kinh tế của Nhà nước được sử dụng phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển đất nước và cơ bản được phân bổ theo yêu cầu thị trường. Đồng thời, Dự thảo cũng nhấn mạnh vai trò của các tổ chức xã hội trong tạo lập sự liên kết, phối hợp hoạt động giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên, bảo vệ lợi ích thành viên, phản ánh nguyện vọng người dân, phản biện và giám sát thực thi pháp luật…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, để toàn diện và đồng bộ hơn, tránh khoảng trống, lúng túng và cực đoan trong nhận thức lý luận và thực tiễn kinh tế, thì về quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội (trang 37) trong Dự thảo cũng cần chú ý bổ sung 3 điểm sau: 

Thứ nhất, bổ sung và làm rõ hơn cơ chế quản lý nhà nước đối với các DNNN (nhất là loại hình 100% vốn nhà nước) không hoạt động trong lĩnh vực lợi nhuận, không phải cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, và do đó không thể hoạt động theo cơ chế thị trường.  Thứ hai, cần bổ sung nguyên tắc “quản lý nhà nước phải phù hợp với các yêu cầu và quy luật của KTTT” thành đầy đủ là “quản lý nhà nước phải phù hợp với các yêu cầu, quy luật và quy trình của KTTT, cũng như với các điều khoản hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã cam kết”; Điều này là cần thiết để cơ chế thị trường được thực thi đầy đủ, bảo đảm uy tín chính trị, niềm tin thị trường và khai thác các cơ hội mới từ các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang và sẽ tham gia, phòng tránh lợi ích nhóm từ việc biến độc quyền  nhà nước thành độc quyền tư nhấn (ví dụ trong trường hợp đi ngược quy trình thị trường, cho phép tự do hóa giá cả trước khi tự do hóa cạnh tranh thị trường về kinh doanh xăng dầu). Thứ ba, bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ quan trọng nữa của Nhà nước là chủ động dự báo và ngăn chặn, xử lý các khuyết tật, tác động mặt trái và khủng hoảng chu kỳ, vốn thuộc bản chất của KTTT (như chạy theo lợi nhuận đơn thuần, cạnh tranh thiếu lành mạnh, phân hóa giàu nghèo và coi nhẹ các vấn đề y tế, môi trường, xã hội…), mà thực tiễn kinh tế vĩ mô đã, đang và sẽ tiếp tục cho thấy.

Bên cạnh việc thống nhất và nâng cao nhận thức về KTTTĐHXHCN, Dự thảo cũng nêu yêu cầu tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế KTTTĐHXHCN, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn và tăng cường xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.

Về các khía cạnh này, có nhiều điểm mới tích cực đáng ghi nhận trong Dự thảo, như: Nhấn mạnh cả hai yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hoạt động của những lĩnh vực, mô hình kinh doanh mới; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong tham gia hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế thị trường; phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, bảo đảm an ninh kinh tế; đẩy mạnh đa phương hóa và đa dạng hóa các quan  hệ kinh tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Đặc biệt, lần đầu tiên Dự thảo nêu rõ yêu cầu: Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ các biến động kinh tế thế giới; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ doanh nghiệp và thị trường trong nước. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước và cam kết quóc tế mà Việt Nam đã ký kết; Tăng cường đào tạo cán bộ…có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế v.v…Tất cả những điểm mới này là sự phát triển, bổ sung, cụ thể hóa cần thiết những nhận thức về nội dung, yêu cầu cơ chế nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình KTTTĐHXHCN ở nước ta cả hiện tại và tương lai. 

Bên cạnh đó, thực tiễn cũng đòi hỏi Dự thảo vẫn cần tiếp tục bổ sung và phân định rõ hơn yêu cầu và nội dung về nâng cao năng lực và trách nhiệm của bộ máy quản lý nhà nước; hoàn thiện văn hóa quản lý và văn hoá doanh nghiệp; phát triển và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho quản lý nhà nước, đoàn thể, lãnh đạo các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, trước hết là DNNN. Đặc biệt, cần nhấn mạnh hơn yêu cầu bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực nhận diện và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế; triển khai đồng bộ và nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các ngành, các cấp, các địa phương, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, nhất là các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc …

Cả về lý luận và thực tiễn kinh tế đều cho thấy, kinh tế thị trường là một kiểu tổ chức kinh tế phản ảnh trình độ phát triển nhất định của văn minh nhân loại, như C.Mác đã khẳng định : “… sản xuất hàng hóa và lưu thông hàng hóa là những hiện tượng thuộc về nhiều phương thức sản xuất hết sức khác nhau, tuy rằng quy mô và tầm quan trọng của chúng không giống nhau…”. (C.Mác và Ph.Ăng-ghen : Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, t 23, tr 175). Còn xây dựng Chủ nghĩa xã hội về bản chất là hành trình hướng tới khát vọng nhân loại thực hiện “tự do, bình đẳng, bác ái” và lý tưởng giải phóng con người, lấy con người là động lực và mục tiêu trung tâm của phát triển kinh tế, phù hợp với những yêu cầu phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường mà thế giới đang đặt ra. Lựa chọn mô hình phát triển KTTTĐHXHCN không chỉ là sự cầu thị và hội nhập quốc tế trong tiếp thu KTTT như là thành quả văn minh chung của nhân loại, mà còn thể hiện sự trung thành và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lê nin của Đảng ta. Sự kết hợp KTTT với định hướng XHCN chính lànhấn mạnh phương thức kết hợp hiệu quả nhất bàn tay thị trường với bàn tay nhà nước trong một mô hình Nhà nước kiểu mới, đảm bảo tính đồng bộ và chủ động kiểm soát các mặt trái của các giải pháp chính sách, vì mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng sống và giải phóng người lao động. Đây ngày càng là xu hướng mang tính thời đại, với những biểu hiện đa dạng, đậm nhạt khác nhau ở nhiều quốc gia phát triển, nhất là Bắc Âu, cũng như  ở nhiều nước có nền KTTT phát triển khác trong thời gian tới. 

Thực tế ghi nhận và đòi hỏi cần tiếp tục củng cố và thống nhất những nhận thức mới, đầy đủ và sâu sắc hơn về mô hình phát triển KTTTĐHXHCN của Việt Nam. Xây dựng thành công mô hình KTTTĐHXHCN vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng Việt Nam, là cơ chế bảo đảm gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy dân chủ, sáng tạo và bảo vệ quyền con người, quyền công dân và người dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới; bảo đảm Việt Nam giữ vững được ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức canh tranh kinh tế; củng cố đồng thuận và đoàn kết xã hội; không ngừng cải thiện các quan hệ  và vị thế quốc tế, tạo dựng được lòng tin và hình thành nên các cơ chế hợp tác có hiệu quả trong việc thúc đẩy quan hệ, ngăn ngừa, đẩy lùi các nguy cơ, kiểm soát các bất đồng và giải quyết các vấn đề nảy sinh, nhất là các vấn đề có thể tác động nghiêm trọng tới an ninh và phát triển của đất nước ta; xây dựng và phát triển đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và toàn diện hơn.

Nhận thức là một quá trình. Với tinh thần đó, có thể nói, Dự thảo đã ghi nhận thêm nhiều dốc mốc mới tích cực trên hành trình liên tục hoàn thiện đồng bộ thể chế  KTTTĐHXHCN ở Việt Nam.

 TS. Nguyễn Minh Phong