Cá tra phi lê bị xem là hàng sơ chế gây bức xúc trong doanh nghiệp thủy sản. Ảnh: Trung Chánh |
Trao đổi với TBKTSG Online, điám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long đề nghị không nêu tên cho rằng, theo quy định hiện nay, đối với sản phẩm chế biến, doanh nghiệp chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10-15%, trong khi hàng sơ chế bị áp loại thuế này đến 20%.
Tuy nhiên, theo vị này, có không ít sản phẩm của doanh nghiệp dù đã qua chế biến, tức đã trở thành sản phẩm chế biến, nhưng quy định vẫn bị xếp vào loại sản phẩm sơ chế. “Chính vì vậy, doanh nghiệp bị áp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn”, vị này cho biết.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, đơn vị này đã nhận được nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp thủy sản hội viên về việc họ gặp vướng mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngành chế biến thủy sản liên quan đến quy định và việc thực thi Thông 26/2015/TT-BCT ngày 27-2-2015 và Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22-6-2015 của Bộ Tài chính.
Theo đó, VASEP cho biết, đa số mặt hàng thủy chế biến xuất khẩu bị áp dụng sang là hàng sơ chế khiến doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cụ thể, với hàng sơ chế, doanh nghiệp thủy sản đang bị áp mức thế thu nhập doanh nghiệp là 20%, trong khi các mặt hàng đã qua chế biến được phép áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 10-15%.
Liên quan vấn đề nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có ý kiến với Bộ Tài chính về xử lý vướng mắc trong việc áp thuế đối với sản phẩm thủy sản chế biến và sơ chế.
VASEP cho biết, các văn bản hướng dẫn của ngành thuế vẫn “chưa có cơ sở” thế nào là sản phẩm sơ chế, thế nào là sản phẩm chế biển; chưa giải thích được sản phẩm như thế nào sẽ được coi là “sản phẩm khác với nguyên liệu đầu vào”.
VASEP cho rằng, việc áp mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho hàng thủy sản là sơ chế với mức 20%, trong khi các mặt hàng đầu ra của các doanh nghiệp đa số là các sản phẩm đã qua chế biến.
Cơ sở để VASEP khẳng định không phù hợp với thực tiễn đó là hoạt động chế biến của các doanh nghiệp thủy sản gồm 3 dạng: chế biến từ sản phẩm tươi sống để xuất khẩu; chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín và chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, khi quyết toán thuế hoặc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp chế biến thủy sản, các sản phẩm của cả ba dạng chế biến trên đều không được các cơ quan ngành thuế công nhận là sản phẩm “chế biến” mà chỉ là ‘sơ chế”.
Theo VASEP, các sản phẩm thủy sản đông lạnh đều trải qua quá trình cấp đông và bảo quản lạnh với các công nghệ cấp đông, bảo quản lạnh đông hiện đại với chi phí cao và mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm. “Đây chính là “phương pháp công nghiệp” được ghi rõ trong định nghĩa sản phẩm chế biến của Luật an toàn thực phẩm 2010”, VASEP nhấn mạnh.
Ngoài ra, hoạt động xay xát, đánh bóng gạo gắn liền với quá trình sản xuất gạo bằng cách tách vỏ trấu, xay xát, đánh bóng gạo thì được xác định là hoạt động chế biến nông sản.
“Trong khi đó, chế biến thủy sản (lột vỏ tôm, rút tim, lạng da cá, phi lê/cắt khúc, rút xương, phân size cỡ, rửa làm sạch, ngâm phụ gia, hấp/chiên (hoặc không hấp/chiên), cấp đông, đóng gói, bảo quản đông lạnh -18 độ C,... thì không được cho là chế biến thủy sản mà là hoạt động sơ chế”, VASEP cho biết và nói rằng điều này tạo sự “khập khiễng” về hoạt động chế biến của hai ngành nghề là gạo và thủy sản…
Trung Chánh