Thị trường nội địa - nền tảng để DN phục hồi sau dịch Covid-19

00:00 12/10/2020

Thị trường nội địa còn dư địa rất lớn để doanh nghiệp duy trì sản xuất, khai thác trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, nhiều đơn hàng đã bị huỷ hoãn tác động rất lớn tới cung- cầu, trong khi đó thì trường nội địa cũng có sự sụt giảm, sức mua trong giảm trong thời gian giãn cách ly. Tuy nhiên, với gần 100 triệu dân, thị trường nội địa vẫn là mảnh đất “màu mỡ”, còn dư địa rất lớn để doanh nghiệp (DN) duy trì sản xuất, khai thác trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Giảm lệ thuộc về hàng hóa

Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại của thị trường nội địa.

Tại thị trường trong nước, người dân cũng có tâm lý thu hẹp chi tiêu, mua sắm khi gặp khó khăn về công việc và thu nhập từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Hiện tại, các mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu và dịch vụ giải trí bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội 5 tháng của năm 2020 đã giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm tới 8,6% (cùng kì năm 2019 tăng trưởng đạt 8,5%). Đây là một sự sụt giảm đáng lo ngại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, thị trường nội địa đã trở thành đầu ra cho hàng hóa, nông sản của nhiều doanh nghiệp (DN). Trong thời gian qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn hàng luôn dồi dào, chủ yếu là các sản phẩm trong nước được tiêu thụ tại các hệ thống phân phối lớn.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) cho biết, trong thời gian qua, nhiều chương trình được liên kết, đưa các đặc sản vùng miền vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart - Haprofood - Intimex. Nhiều DN của các tỉnh đã tìm kiếm được các đơn hàng cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô qua các hệ thống phân phối lớn.

 

Theo ông Sơn, thị trường nội địa nói chung, Hà Nội nói riêng là chỗ dựa vững chắc cho các DN và còn nhiều dư địa phát triển.

“Hapro chủ trương phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích bám theo khu vực dân cư và khu vực ngoại thành. Thị trường nông thôn được coi là thị trường chiến lược trong thời gian tới. Việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi với các nhà cung ứng sẽ tạo được thị trường ổn định, người dân bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thu nông sản xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp”, ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), khi DN hướng về thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam hơn, DN làm chủ thị trường đất nước, giảm phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài.

“Đối với những DN có quy mô lớn, thị trường nội địa sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu. Dù vậy, việc hướng về “sân nhà” cũng tạo được cho DN một thị trường ổn định để duy trì sản xuất, duy trì lao động, khi thị trường thế giới ổn định hơn thì đây sẽ là nền tảng để DN bước tiếp sang thị trường khác một cách mạnh mẽ”, ông Tô Hoài Nam nhận định.

Cần những chính sách tổng thể

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhiều sản phẩm nội hiện không thua kém sản phẩm ngoại ở chất lượng nhưng thua về “độ phủ” thương hiệu lên nhận thức của người tiêu dùng. Do đó, để có thể làm tốt việc mở rộng thị trường nội địa, DN cần đảm bảo đạt chuẩn hàng hóa để giữ uy tín, cũng cần chú trọng tới trách nhiệm xã hội. Trong thời điểm khó khăn, ngoài việc xây dựng thương hiệu tốt, chất lượng hàng hóa hướng đến yếu tố “xanh” là sự ưu tiên hàng đầu giúp DN giữ được thị trường.

Về lâu dài, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics, cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai minh bạch trên thị trường, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Những thủ tục hành chính thành lập các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần thông thoáng, tốn ít chi phí và thời gian. Nhà nước cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế”, ông Vũ Vinh Phú nêu ý kiến.

Trong khi tình hình xuất khẩu còn mờ nhạt về tín hiệu hồi phục, thị trường nội địa được đánh giá có độ ổn định và đặc biệt có “sức chống chịu” tốt hơn nhiều so với thị trường xuất khẩu. Với dân số gần 100 triệu, tầng lớp trung lưu đông đảo và ngày càng phát triển, quy mô của thị trường nội địa không hề nhỏ. Việc thay đổi chiến lược sang hình thức online, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa sẽ giúp DN tạo chuỗi cung ứng hoàn chỉnh tại Việt Nam./.

Diệp Diệp