Ông Hà Phú Thịnh – PGĐ VNPT Hà Nội có vi phạm Luật viên chức; Luật phòng, chống tham nhũng?

14:10 30/10/2020

Để tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác đầu thầu đến với cộng đồng doanh nghiệp, Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Hội nhập đã thực hiện chuyên đề: “Minh bạch trong công tác đấu thầu: Góc nhìn từ thực tiễn”.

Vừa qua, trường hợp ông Hà Phú Thịnh - PGĐ VNPT Hà Nội lại ký Quyết định cho Hacisco – đơn vị do chính ông làm Chủ tịch HĐQT trúng thầu khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu có minh bạch trong công tác đấu thầu và đúng với quy định của pháp luật không? Và ông Hà Phú Thịnh có vi phạm Luật viên chức, Luật Phòng, Chống tham nhũng khi cùng lúc giữ hai cương vị nêu trên? Trong chuyên đề này, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc bài viết dưới góc nhìn phân tích của Luật sư như sau:

Từ phê duyệt mời thầu đến lựa chọn nhà thầu

Ngày 09/04/2020, ông Hà Phú Thịnh – PGĐ Viễn thông Hà Nội đã ký văn bản số: 1702/QĐ-VNPT-HNi-ĐT Quyết định về việc phê duyệt hồ sơ mời thầu tại Gói thầu “Mua sắm OTB và Spliter” thuộc kế hoạch mua sắm tập trung và kế hoạch mựa chọn nhà thầu “Mua sắm tập trung phụ kiện quang OTB, Spltter” năm 2020, 2021 cho VNPT tỉnh/ thành phố và VNPT Net khu vực Phía Bắc.

Tiếp đó, ngày 08/07/2020 ông Hà Phú Thịnh – Phó giám đốc Viễn thông Hà Nội đã ký Quyết định số 3568/QĐ-VNPT-HNi-ĐT về viêc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu mua sắm OTB cho Công ty cổ phần Hacisco (Hacisco) trúng thầu với giá giá 9.686.490.000 đồng. Tuy nhiên, điều khiến dư luận “bất ngờ” là ông Hà Phú Thịnh lại cũng chính là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Hacisco.

Sự việc này khiến dư luận cho rằng, nếu ông Hà Phú Thịnh - Phó giám đốc Viễn thông Hà Nội là viên chức nhưng lại giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hacisco là không đúng với Luật Doanh nghiệp; Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng…

Luật sư nói gì về sự việc? 

Phân tích về nội dung nêu trên, Luật sư Đỗ Toàn Thắng - Công ty Luật TNHH An Dân (đoàn LS TP Hà Nội) cho biết, VNPT Hà Nội là đơn vị kinh tế trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Đây là tập đoàn kinh tế do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Vì vậy, với cương vị là PGĐ VNPT Hà Nội thì ông Hà Phú Thịnh nhiều khả năng là viên chức. Nếu vậy, việc ông Hà Phú Thịnh đang là PGĐ VNTP Hà Nội lại chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hacisco là vi phạm Luật Doanh nghiệp; Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng.

Vì, tại Mục b, khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có nêu rõ: “Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam”.

Tại Khoản 3, Điều 14, Luật Viên chức về quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định: “Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác”.

Còn theo Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được: “Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp danh, hợp tác xã; Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định”.

Liên quan đến việc ông Hà Phú Thịnh - PGĐ Viễn thông Hà Nội đã ký Quyết định về việc lựa chọn kết quả nhà thầu cho Hacisco – đơn vị do chính ông làm Chủ tịch HĐQT trúng thầu liệu có minh bạch trong công tác đấu thầu và đúng với quy định của pháp luật không? Ngày 08/10/2020, ông Nguyễn Hữu Chỉnh – Chánh Văn phòng Viễn thông Hà Nội đã ký văn bản số: 5484/VNPT-HNi-VP-TL gửi Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập có khẳng định: “Việc ông Hà Phú Thịnh – Phó Giám đốc VNPT Hà Nội ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là ký thay Giám đốc VNPT Hà Nội theo thẩm quyền và điều này không trái với quy định của pháp luật hiện hành”.

Văn bản ông Nguyễn Hữu Chỉnh – Chánh Văn phòng Viễn thông Hà Nội đã ký 

Phân tích về sự việc, Luật sư Đỗ Toàn Thắng nói:

Lý giải này của VNPT Hà Nội là không hợp lý vì trong quy định của Luật đấu thầu 2013 thì một người là đại diện cho chủ đầu tư trong một gói thầu không thể ký quyết định phê duyệt công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu cho công ty mình đang quản lý, sở hữu. Cụ thể quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu tại điểm a khoản 6 điều 89 Luật đấu thầu 2013, hành vi không đảm bảo công bằng, minh bạch “Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án do mình là bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư”. Việc ông Hà Phú Thịnh ký các giấy tờ trong quá trình đấu thầu, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tại các gói thầu trên cho Hacisco đã làm mất đi tính công bằng, minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

Luật sư Đỗ Toàn Thắng phân tích về sự việc

Ngoài ra, để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu tại điểm e khoản 6 điều 89 Luật đấu thầu 2013, còn cấm các hành vi “Đứng tên tham dự thầu gói thầu thuộc dự án do chủ đầu tư, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi thôi việc tại cơ quan, tổ chức đó”.

Để đảm bảo thực hiện đấu thầu được công khai, minh bạch, lựa chọn được nhà thầu có năng lực và sự thượng tôn của luật pháp, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm rõ những dấu hiệu, chủ thể trên đây tại một số gói thầu do VNPT Hà Nội làm chủ đầu tư.

Nhóm PV