Những vi phạm thường gặp trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp

05:50 17/11/2020

Trong quá trình hoạt động, rất nhiều doanh nghiệp thường vấp phải những vi phạm không đáng có. Một số vi phạm có thể kể đến như vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp; về kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; về công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp…

Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)

Theo đó, Nghị định 50/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/7/2016) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư được ban hành nhằm điều chỉnh những vi phạm thường mắc phải trong quá trinh hoạt động của doanh nghiệp nói chung.

Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp

Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp khi có một trong các hành vi dưới đây thì bị phạt tiền ở mức tương ứng:

Hành vi vi phạm không chuyển đổi loại hình doanh nghiệp khi không còn đủ số lượng thành viên, cổ đông tối thiểu theo quy định trong thời hạn 6 tháng liên tục. Khoản 1 Điều 28 của Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định vi phạm này bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;

Doanh nghiệp vẫn hoạt động khi đã kết thúc thời hạn ghi trong Điều lệ mà không được gia hạn. Khoản 2 Điều 28 của Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định vi phạm này bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

Doanh nghiệp không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký. Khoản 3 Điều 28 của Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định vi phạm này bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

Các vi phạm như: Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế; Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng    theo Khoản 4 Điều 28 của Nghị định 50/2016/NĐ-CP.

Vi phạm quy định về đăng ký người thành lập doanh nghiệp

Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Đăng ký thành lập doanh nghiệp mà theo quy định của pháp luật không có quyền thành lập doanh nghiệp; Không có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nhưng vẫn thực hiện.

Vi phạm về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 32 Luật doanh nghiệp 2014, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi.

Tuy đã có quy định khá cụ thể về về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp lại không chú ý đến. Khi quá thời hạn này thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định tại Điều 25 Nghị định 50/2016/NĐ-CP. Cụ thể:

Đăng ký thay đổi quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;

Đăng ký thay đổi quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

Đăng ký thay đổi quá thời hạn quy định từ 91 ngày: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Vi phạm quy định về chế độ báo cáo và thực hiện yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp khi có những sai phạm về chế độ báo cáo và thực hiện yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 30 Nghị định 50/2016/NĐ-CP. Cụ thể:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh; Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn tới cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính các thông tin thay đổi của thành viên Hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần), thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Tiếp tục kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi có yêu cầu tạm dừng của cơ quan đăng ký kinh doanh; Không đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh đối với trường hợp doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Vi phạm về kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Một trong những nguyên tắc cơ bản khi kê khai hồ sơ nói chung và hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nói riêng  là việc đảm bảo tính trung thực, chính xác của hồ sơ, giấy tờ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có sự vi phạm về vấn đề này do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau.

Theo quy định tai khoản 1 Điều 24 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Vi phạm về công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Thời hạn thông báo công khai các thông tin về doanh nghiệp là 30 ngày, kể từ ngày được công khai.

Trường hợp doanh nghiệp không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 50/2016/NĐ-CP.

Phương Ngân