Nhãn mác “Made in Việt Nam” và văn hóa kinh doanh

00:00 12/10/2020

Việc thiếu quy định rõ ràng về gắn mác hàng “made in Vietnam” khiến cho nhiều doanh nghiệp lợi dụng để gian lận, đánh lừa người tiêu dùng…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Made in Vietnam” vẫn là một câu chuyện muôn thuở bởi người tiêu dùng vẫn đang “bơi” trong ma trận hàng hóa và những khái niệm nhập nhèm. Từ câu chuyện của Khải Silk, của Asanzo hay hàng loạt “thương hiệu Việt” như Kangaroo, Sunhouse và những doanh nghiệp “Hàng Việt Nam chất lượng cao” khác bị đặt vào “tầm ngắm”, đầy rẫy sự nghi ngờ…

Thực trạng ở Việt Nam hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được văn hóa mạnh, làm ăn chân chính, trung thực và họ đã thành công, tạo được thương hiệu tốt và uy tín đối với khách hàng, người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp chưa xây dựng và thực thi được văn hóa doanh nghiệp tốt. Một số doanh nghiệp do tâm lý trục lợi, chụp giật, biết là vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh nhưng vì muốn thu được lợi nhuận cao nên họ vẫn làm. Một số doanh nghiệp khác thì do chưa thực sự nhận thức thấu đáo nên chỉ chú trọng xây dựng hình ảnh bề ngoài như khẩu hiệu, trang phục, chào hỏi, hoạt động văn nghệ, thể thao… Tuy đó cũng là những điều cần thiết nhưng còn những yếu tố cơ bản, cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp thì lại chưa chú trọng hoặc chưa nhận thức được đầy đủ như tinh thần thượng tôn pháp luật, đạo đức kinh doanh (trong đó có cái tâm và chữ tín), trách nhiệm xã hội, cạnh tranh lành mạnh.

Bởi vậy, trong Quyết định số 1846/QĐ-TTg ngày 26/9/2016 về Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và trong phát biểu phát động Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản quốc gia, đó là lý do Chính phủ kiến tạo hiện nay rất quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân…” Các nhà nghiên cứu trên thế giới cũng cho rằng văn hóa doanh nghiệp chính là nhân tố quyết định thắng lợi trong cạnh tranh. Tuy nhiên, những vụ việc bị phát hiện vừa qua như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng (kể cả thực phẩm, dược phẩm), gây ô nhiễm môi trường… đã đi ngược lại điều đó.

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, tình trạng gian lận xuất xứ, nhãn mác không chỉ vì mục đích giảm giá thành, tăng lợi nhuận mà với một số doanh nghiệp còn nhằm hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu đi nước ngoài. Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ. Ông Trần Thanh Hải còn cho biết thêm: Tại Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ bắt buộc mọi hàng hoá đều phải dán nhãn. Trên nhãn đó có một số thông tin bắt buộc như xuất xứ hàng hoá...Nghị định này cũng quy định doanh nghiệp, cá nhân lưu thông hàng hoá phải tự xác định thông tin để dán nhãn hàng hoá. Các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ.

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý theo ông Hải, đó là Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa Việt Nam. Ví như, để cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D thì phải đáp ứng tỷ lệ 40% nguyên liệu trong ASEAN. Nhưng một sản phẩm có thể có 20% nguyên liệu Malaysia, 15% Indonesia, còn lại 5% của Việt Nam vẫn sẽ được cung cấp nguồn gốc xuất xứ mẫu D. Trong trường hợp các mẫu khác thì việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ cũng không thể nói lên tỷ lệ của Việt Nam mà của cả khu vực... Bộ Công Thương đang soạn thảo để làm rõ khái niệm thế nào hàng hoá của Việt Nam sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước. Khi có dự thảo chính thức, Bộ Công Thương sẽ công bố trên website để xin ý kiến người dân, doanh nghiệp.Việc soạn thảo bộ quy định này được diễn ra từ năm 2018 sau hàng loạt các vụ việc "đột lốt" hàng Việt Nam diễn ra.

Còn theo ông Nguyễn Trần Bạt - doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, nhà sáng lập và là Chủ tịch kiêm TGĐ InvestConsult Group: Hiện tượng hàng hóa được sản xuất theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” đã xảy ra từ lâu và không chỉ với các linh kiện có xuất xứ Trung Quốc mà có cả của một số quốc gia khác. Điều chúng ta quan tâm không còn là những sự vụ như Khải Silk, Asanzo mà những hiện tượng ấy phản ánh chúng ta không có một hàng rào kỹ thuật để đảm bảo chủ quyền kinh tế của Việt Nam trong hội nhập, ngăn chặn những sản phẩm xâm nhập vào thị trường Việt Nam và được bán như hàng của Việt Nam sản xuất. Nền kinh tế của chúng ta không phải là nền kinh tế mở mà là nền kinh tế hở. Bây giờ nếu tập trung xử lý Khải Silk hoặc Asanzo có đủ để chấm dứt hiện tượng này không?

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhìn chung, các nước đều có quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất. Đối với mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước quy định tiêu chí cho một số sản phẩm cụ thể. Ví dụ quy định của Thụy Sỹ đối với đồng hồ, quy định của Hoa Kỳ đối với ô tô, hàng dệt may và len, quy định của New Zealand đối với rượu vang…Nhiều nước cho phép áp dụng việc ghi nhãn trên cơ sở tự nguyện đối với hàng sản xuất và tiêu thụ trong nước. Một khi hàng hóa đã ghi nhãn nước sản xuất thì bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và điều kiện theo quy định. Các nước đưa ra quy định cụ thể về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa nhằm mục tiêu bảo hộ ngành hàng sản xuất tại nước đó nói chung và bảo hộ thương hiệu của sản phẩm cụ thể. Tiêu chí và điều kiện ghi nhãn xuất xứ có thể được quy định chung như “Made in…, produced in…” hoặc chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, gia công hoặc chứa giá trị gia tăng cụ thể như “designed by/in…, assembled in…, processed in…, packaged in…, imported by/for”.

 Về chế tài xử phạt, một số nước có chế tài xử phạt rất nặng đối với cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa. Ví dụ, theo quy định của Ý, tổ chức, cá nhân gắn nhãn “Made in Italy” vào sản phẩm đồ da không đáp ứng tiêu chí “Made in Italy” có thể phải nộp phạt tới 100.000 Euro. Tại Canada, theo Luật Cạnh tranh, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm việc gây hiểu sai, hiểu nhầm về sản phẩm có thể bị phạt hành chính lên đến 15 triệu USD Canada, truy cứu trách nhiệm hình sự và/hoặc phạt tù từ 1 – 14 năm… Do đó, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn "sản xuất tại Việt Nam" - "made in Việt Nam" là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.

Từ vụ việc của Khaisilk cho đến Asanzo là những trường hợp “cảnh tỉnh” để các thương gia, các hộ kinh doanh, các tiểu thương đánh giá chính xác những hệ luỵ có thể xảy ra khi thực hiện việc tráo mác hàng, tránh việc “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”.

Thu Giang