Ngành du lịch chủ động thay đổi chiến lược để thoát cơn khủng hoảng

00:00 12/10/2020

“Cơn bão” mang tên dịch cúm virus Corona đã, đang và được dự báo sẽ còn tàn phá ngành du lịch. Nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam, đặc biệt là các công ty tập trung khai thác thị trường khách Trung Quốc và các dịch vụ ăn theo, đều bị sụt giảm doanh số. Trong cơn khủng hoảng, lối thoát được ngành Du lịch nói chung và nhiều doanh nghiệp lữ hành nói riêng lựa chọn là gì?

Sự chủ động của doanh nghiệp lữ hành

Trao đổi cùng PV Tạp chí DN&HN, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam xác nhận: Đến cuối tháng 02/2020, lượng khách du lịch nước ngoài, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc đến Việt Nam giảm mạnh. Nhiều địa phương, lượng khách sụt giảm 20-30%, có nơi giảm tới 60-70%. “Làn sóng” hủy tour của cả khách nội địa lẫn khách nước ngoài khiến tại nhiều doanh nghiệp lữ hành, hoạt động bị ngưng trệ. Nhiều công ty thậm chí diễn ra cảnh nhân viên “ngồi chơi, xơi nước”.

Ông Phùng Quang Thắng (PCT Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, GĐ Công ty Hà Nội tourist) bày tỏ: “Du lịch vốn là một ngành rất nhạy cảm với tình trạng thiên tai, tự nhiên, chiến tranh, dịch bệnh... trên thế giới. Dịch cúm lần này không chỉ gây thiệt hại to lớn cho nhiều nền kinh tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng mà còn trực tiếp làm suy giảm ngành du lịch. Tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch... là phổ biến hiện nay. Ước tính thiệt hại đối với ngành Du lịch là hàng chục ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, mối nguy hiểm do dịch nCoV gây ra đã buộc nhiều quốc gia hành động quyết liệt, nhiều đường bay của các hãng hàng không không thể tiếp tục duy trì, do vậy nhiều khách du lịch hiện còn đang mắc kẹt tại một số điểm đến, ví dụ như Khánh Hoà, Đà Nẵng... Các doanh nghiệp du lịch hiện đang phải gồng mình, vừa phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh. Dịch bệnh theo dự báo có thể sẽ kéo dài và khó có thể khắc phục trong vòng vài tháng. Do vậy, có thể xem đây là một cuộc “khủng hoảng” tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp du lịch và người lao “Cơn bão” mang tên dịch cúm virus Corona đã, đang và được dự báo sẽ còn tàn phá ngành du lịch. Nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam, đặc biệt là các công ty tập trung khai thác thị trường khách Trung Quốc và các dịch vụ ăn theo, đều bị sụt giảm doanh số. Trong cơn khủng hoảng, lối thoát được ngành Du lịch nói chung và nhiều doanh nghiệp lữ hành nói riêng lựa chọn là gì? động trong lĩnh vực du lịch”.

Tuy nhiên, điều ngạc nhiên và cũng rất đáng mừng, đó là các doanh nghiệp lữ hành cũng không bị động, ngồi một chỗ chờ đợi hết dịch. Trong cơn khủng hoảng, nhiều công ty bị ảnh hưởng hoạt động nặng nề đều đang nỗ lực thực nghiệm, xoay chuyển thị trường cũng như đa dạng dịch vụ khai thác để tăng nguồn thu. Những gì diễn ra tại Công ty TNHH Du lịch, Dịch vụ và Thương Mại Tầm nhìn Đông Dương (Indochina Insight Travel) là một ví dụ.

Indochina là một công ty chuyên khai thác khách du lịch Trung Quốc. Đầu mùa dịch, hoạt động công ty lâm vào tình trạng “đóng băng”, do hàng loạt tour bị hủy. Ông Trần Quốc Dũng (Đại diện công ty) cho biết: “Có thời điểm, nhân viên toàn công ty chỉ làm duy nhất một việc là hoàn, hủy dịch vụ cho khách. Thiệt hại tài chính của công ty rất nặng nề. Chúng tôi cũng xác định, khó khăn này là bất khả kháng. Việc nối lại các tour đến và đi cho thị trường Trung Quốc sẽ được tiến hành ngay khi hết dịch. Nhưng ngay trong thời điểm này, công ty cũng coi đây là cơ hội để lập kế hoạch triển khai các tour mới phục vụ khách, đa dạng hóa sản phẩm. Đến thời điểm cuối tháng 02, lượng khách mua các tour mới của công ty, đặc biệt là du lịch nội địa đã tăng lên. Hoạt động công ty đã dần dần bình ổn”.

 Trong khi đó, chia sẻ về giải pháp đối phó khó khăn trong đợt dịch, bà Lê Thị Thu Hằng (TGĐ New Tour) cho biết: “Chúng tôi phải xử lý thiệt hại do việc khách sụt giảm, hủy phòng, hủy tour, hủy vé... Trong thời gian này, công ty tập trung đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ và kỹ năng cho cán bộ nhân viên. Song song, chúng tôi cũng hướng đến các thị trường mới như châu Âu, Mỹ, Tây Á...”.

Cùng với đó, bà Hằng cũng bày tỏ hy vọng được Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành bị thiệt hại vay vốn, giãn nợ để có thêm thời gian khắc phục hậu quả. “Chúng tôi mong Cục Hàng không xem xét hoàn thiện đặt vé cho các công ty lữ hành để giảm thiểu thiệt hại tài chính. Nhà nước cũng nên xem xét các biện pháp miễn, giảm phí Visa để giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh, thu hút khách quốc tế quay trở lại”, bà Hằng chia sẻ.

 Kích cầu, giải cứu du lịch

Trong khi các doanh nghiệp chủ động với phương án “tự giải cứu” của riêng mình, các cơ quan quản lý hoạt động du lịch cũng khẳng định: Đã có những giải pháp tức thời và lâu dài để ngành du lịch phát triển bền vững. Ông Vũ Thế Bình – PCT Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Kinh nghiệm từ giai đoạn đối phó dịch SARS cho thấy, du lịch là ngành đầu tiên bị tác động ảnh hưởng nặng nhất. Điều này cũng cảnh báo các cơ quan quản lý du lịch không thể phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường”.

 Đưa ra các giải pháp trước mắt, ông Bình đánh giá cao việc các doanh nghiệp chủ động xây dựng nhiều gói kích cầu du lịch nội địa. Ông cũng gợi ý: “Các cơ sở dịch vụ nên tập trung thời gian đào tạo nguồn lao động và nâng cấp cơ sở vật chất để phục vụ du khách tốt hơn khi dịch bệnh đi qua”. Về phía Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Bình cho biết đã kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch để đẩy mạnh thu hút khách vào Việt Nam. Phát huy các mối quan hệ của Hiệp hội Du lịch Việt Nam với các nước là thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam để hỗ trợ, thúc đẩy việc trao đổi khách. Hiệp hội phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch tổ chức các hội thảo chuyên đề, các khóa đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp và Hiệp hội các địa phương về công nghệ 4.0 trong du lịch, xu hướng phát triển của du lịch Việt Nam và kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng.

Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho rằng, các doanh nghiệp du lịch cần phải bình tĩnh, không hoang mang, đẩy mạnh thực hiện ứng xử văn minh với du khách trong khi song hành các biện pháp khác để ứng phó với dịch bệnh nCoV. Đề nghị các cơ quan quản lý du lịch địa phương hợp tác, kết nối các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn để cùng chia sẻ khó khăn, tìm giải pháp ổn định thị trường, phục hồi lại sự tăng trưởng nhanh nhất có thể. Tiếp tục đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước trong khu vực ASEAN; tăng cường thu hút khách từ thị trường Bắc Mỹ, châu Âu... nhưng không quên kích cầu du lịch trong nước.

 Song song với đó, Tổng cục Du lịch sẽ thực hiện các chiến lược quảng bá du lịch Việt trên mạng xã hội, các kênh truyền thông quốc tế như CNN; đẩy mạnh tuyên truyền về môi trường du lịch, môi trường an ninh y tế tới du khách trong và ngoài nước…

Ông Trần Đình Sơn (PCT Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa): Du lịch Thanh Hóa thực hiện nhiều giải pháp kích cầu đồng bộ

Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp hội viên đã động viên các Doanh nghiệp du lịch nghiêm túc, tích cực thực hiện các chỉ đạo của cấp trên để góp phần phòng chống dịch bệnh, đồng thời sẵn sàng đưa du lịch Thanh Hóa phát triển trở lại ngay sau khi hết dịch. Nhiều khách sạn tại Thanh Hóa đã tổ chức phát khẩu trang và đo thân nhiệt cho khách trước khi nhận phòng. Chủ động tiến hành vệ sinh, khử trùng tại các cơ sở lưu trú du lịch, phương tiện vận chuyển khách du lịch, các điểm, khu du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch và cơ sở vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh theo khuyến cáo và yêu cầu của cơ quan chức năng. Hiện một số doanh nghiệp du lịch đã thực hiện chương trình kích cầu giảm giá, tặng quà cho khách để thu hút khách du lịch. Đồng thời, Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa và các doanh nghiệp Hội viên cũng chủ động, nắm bắt sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, để có giải pháp kịp thời trong việc xử lý thông tin và đưa ra những định hướng kinh doanh cho doanh nghiệp, sao cho phù hợp tình hình thực tế.

Thu Giang – Minh Hiền