Ngăn biến tướng của kinh tế chia sẻ

00:00 12/10/2020

Do chưa có đủ hành lang pháp lý, nhiều hình thức kinh tế chia sẻ mới như cho vay ngang hàng (P2P lending), vận tải công nghệ đã xuất hiện với nhiều biến tướng, tiềm ẩn rủi ro.

Kinh tế chia sẻ, bài toán mới cho nhà quản lý

Tại hội thảo đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ ngày 10/10, TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Viện phó Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phát biểu, kinh tế chia sẻ là hình thức hoạt động mới ở Việt Nam, làm nảy sinh nhiều mối quan hệ mới, xuất hiện nhà cung cấp nền tảng, thay đổi vai trò quyền lợi các bên tham gia; đặc biệt, kinh tế chia sẻ tiềm ẩn rủi ro mà cơ quan quản lý cần vào cuộc.

Dẫn chứng về biến tướng của kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực P2P lending, ông Phạm Xuân Hoè, Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho biết, cho vay ngang hàng là khoản vay trực tiếp giữa người cho vay và người vay thông qua kết nối trực tuyến, không cần qua trung gian tài chính; khoản vay hầu hết không có tài sản bảo đảm. Dù mang lại lợi ích như thời gian nhanh, tiếp cận vốn dễ nhưng P2P lending ở Việt Nam tồn tại nhiều rủi ro cho các bên tham gia. Người cho vay có thể mất trắng tiền khi không có bảo hiểm do không pháp lý bảo vệ.

Theo ông Hoè, biến tướng của hình thức kinh tế chia sẻ có thể thấy được ở các sàn cho vay “ma” lừa đảo người cho vay. Nhiều công ty núp bóng P2P lending nhưng bản chất là gọi vốn cộng đồng trái pháp luật, khiến người góp vốn bị mất tiền và không được bảo vệ.

“Các công ty mượn danh kinh tế chia sẻ hoạt động ngầm không quản lý được tiềm ẩn nhiều rủi ro. Như lĩnh vực P2P lending, thống kê của Ngân hàng Nhà nước chỉ có khoảng 40 công ty hoạt động nhưng tôi thấy thông tin từ cơ quan an ninh có tới khoảng 100 công ty P2P lending. Phần lớn các công ty này từ Trung Quốc tràn sang”, ông Hòe nói.

Theo CIEM, Việt Nam chưa có quy định pháp luật liên quan kinh tế chia sẻ, chưa có chính sách quy định về nghĩa vụ tài chính như đóng thuế, kê khai thuế với các cá nhân, tổ chức tham gia; thiếu quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng; thiếu quy định về trách nhiệm của nền tảng cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý. Quá trình phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ gặp khó khăn như vướng mắc khi cấp giấy phép kinh doanh do chưa có trong danh mục ngành nghề và khiến cơ quan chức năng lúng túng trong xác định đúng bản chất giao dịch để đánh thuế.

Chuyên gia Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp luật Kinh tế (Viện Nhà nước và Pháp luật) đánh giá, các quy định cũ về định danh dịch vụ, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, hợp đồng, thuế đã trở nên chật hẹp với những phát triển mới của kinh tế chia sẻ. “Chính phủ nên tiếp cận theo hướng cởi bỏ các điều kiện kinh doanh thay vì áp dụng các điều kiện kinh doanh gò bó của mô hình kinh doanh truyền thống lên các mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo. Trong quá trình quản lý các nền tảng, Nhà nước cần chú trọng xem xét các điều kiện giao dịch chung, đặc biệt trong việc phân định trách nhiệm các bên để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ các đối tác yếu thế trong giao dịch”, ông Dương kiến nghị.

QUỲNH NGA