Nền kinh tế chuẩn bị "chạy nước rút"

08:28 15/10/2020

Quý cuối cùng của năm 2020 sẽ là khoảng thời gian quan trọng để đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế bằng các giải pháp đồng bộ, phấn đấu cả năm nay đạt mức tăng trưởng 2,5 - 3%. Đây sẽ là nền tảng để năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, Việt Nam đang có nhiều động lực để hiện thực hoá các kế hoạch tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Thị trường nội địa vẫn là bệ đỡ hiệu quả

Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), các động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong những năm qua, sẽ còn tiếp tục được phát huy trong quý IV/2020 và năm 2021. Đó là tăng cường xuất khẩu; tăng đầu tư toàn xã hội cả về lượng và chất (cả 3 khu vực đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI); và tiêu dùng nội địa.

nen kinh te chuan bi chay nuoc rut

Gói hỗ trợ phải gắn với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, bắt nhịp với các xu hướng phát triển mới

Theo hướng cung, những động lực cho tăng trưởng chính sẽ tập trung chủ yếu vào khu vực nông nghiệp (chú trọng phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao) và công nghiệp – xây dựng (quá trình dịch chuyển đầu tư và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu tiếp tục tìm đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; thúc đẩy đầu tư công và đầu tư PPP…).

“Đáng chú ý, sản xuất - xuất khẩu nông sản và thiết bị điện tử, điện thoại, máy vi tính có thể bù đắp cho khó khăn trong những ngành vốn là thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày (do suy giảm cả nguồn cung và cầu từ đối tác quốc tế)”, Báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu, BIDV nêu rõ.

Trong khi đó, động lực tăng trưởng kinh tế từ khu vực dịch vụ, du lịch, tiêu dùng cá nhân sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh trên thế giới và công tác phòng – chống dịch bệnh của Việt Nam, nhưng sẽ cơ bản phục hồi.

Ở một góc nhìn khác, khảo sát của Viện Phát triển DN thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trong ngắn hạn, thị trường nội địa vẫn là bệ đỡ hiệu quả để nền kinh tế bật lên trong 3 tháng cuối năm. Cụ thể, khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh trong quý IV/2020, khu vực FDI là nơi có kế hoạch kinh doanh tiêu cực nhất so với 2 khu vực còn lại; với tỷ lệ DN dự kiến thu hẹp quy mô kinh doanh là 24,2%, trong khi tỷ lệ này ở các DN tư nhân là 15,1% còn ở DNNN là 5,2%.

Ngoài ra, khu vực FDI cũng tiếp tục là nơi dự kiến sẽ cắt giảm nhiều lao động nhất so với 2 khu vực còn lại; với 35,5% DN FDI dự kiến cắt giảm lao động so với 28,9% của DN tư nhân và 19% ở các DNNN. “Việc DN FDI dự báo cắt giảm nhiều lao động hơn trong những tháng cuối năm chủ yếu do thị trường chính của các DN này là thị trường xuất khẩu, vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19; trong khi DNNN và DN tư nhân đã bắt đầu hồi phục phần nào ở thị trường trong nước. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của thị trường nội địa”, một chuyên gia của Viện Phát triển DN lý giải.

Nhìn dài hạn để chuẩn bị “nước rút”

Tại Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á tháng 9/2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nhận định, tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam đạt 1,8%, điều chỉnh giảm so với các dự báo trước đây. Tuy nhiên, tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi vào năm 2021 nhờ tăng tốc đầu tư công, tăng cường thương mại với Liên minh châu Âu, Trung Quốc và phân bổ lại chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam.

Theo các chuyên gia, năm 2021 sẽ là năm quan trọng, bởi đây là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng là năm kinh tế Việt Nam phải vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 để tận dụng những cơ hội mới được tạo ra từ chính đại dịch này.

Do đó, cần xác định năm 2021 sẽ là năm phục hồi kinh tế sau đại dịch, với mục tiêu chính là giữ ổn định, tạo việc làm; từ đó tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế bứt phá trong giai đoạn 2022-2025. Trên cơ sở đó, trong quý IV/2020 và năm 2021, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,5-3% và năm 2021 đạt khoảng 6,5-7%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Để đạt được mục tiêu này, TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế cho rằng, trước mắt phải tiếp tục có những chính sách kích thích kinh tế mới. Quan trọng nhất là cần đảm bảo thực thi "nhanh, đúng và minh bạch" các gói hỗ trợ này. Ông Thành chia sẻ quan điểm, bên cạnh nỗ lực giúp DN và người lao động vượt bão dịch với quy mô đủ lớn (dù phải chấp nhận thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công cao hơn), tính ít nhất cho cả năm 2021, gói hỗ trợ lần hai phải gắn với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, bắt nhịp được với các xu hướng phát triển mới nhất về công nghệ, nhất là chuyển đổi số, kỹ năng lao động và cả cách thức tiêu dùng mới; sự dịch chuyển chuỗi giá trị cùng các dòng đầu tư…

Tổng cục Thống kê cũng khuyến nghị, trong giai đoạn nước rút tới đây, Chính phủ cần triển khai thực hiện một số hành động cụ thể, trong đó tập trung vào 5 nhóm vấn đề. Đó là đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; tăng cường hỗ trợ khu vực tư nhân; đẩy mạnh thu hút hơn nữa FDI chất lượng cao vào Việt Nam; từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại trong nước và quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển để đón bắt xu hướng mới.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp bản lề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Tuy nhiên, đẩy nhanh cần đi đôi với hiệu quả, không bất chấp bằng mọi giá. Đối với giải pháp tăng cường hỗ trợ khu vực tư nhân, cần đảm bảo các chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo Chỉ thị số 11/CT-TTg đến được tay các DN thực sự bị ảnh hưởng. Đồng thời, Chính phủ cần tập trung hỗ trợ các doanh nhân hoặc người lao động chuyển đổi sang các hoạt động kinh tế hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét gỡ bỏ hạn chế đi lại trong nước và quốc tế, bắt đầu bằng các quốc gia an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát trở lại sau đợt bùng phát lần 2. Mục tiêu là nhằm đẩy mạnh hoạt động của ngành công nghiệp không khói hiện đóng góp khoảng 10% trong GDP của Việt Nam.

Ngọc Khanh