Làm gì để tôm và cá tra tránh rủi ro 'cấm cửa'?

00:00 12/10/2020

Các doanh nghiệp thủy sản cần tiếp tục hướng đến sản xuất sạch hơn để thoát khỏi rủi ro “cấm cửa” từ quốc gia nhập khẩu, như bài học từ việc Ảrập Xê út đã 2 năm nay áp dụng lệnh tạm ngừng nhập khẩu thủy sản Việt và mới chỉ cho phép 12 doanh nghiệp Việt được xuất khẩu trở lại một số mặt hàng thủy sản đánh bắt.

Theo ông Lê Xuân Thịnh, chuyên gia về hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn - Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), việc nuôi cá tra với mật độ cao (40 - 50 con/m2), sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp đã gây ra không ít vấn đề về môi trường, dịch bệnh.

Nỗi lo nhiễm bẩn

Dẫn lại các nghiên cứu của Khoa Thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ, ông Thịnh chỉ rõ: với ao nuôi đạt năng suất 300 tấn/ha/vụ, mỗi vụ nuôi sẽ thải ra môi trường khoảng 2.677 tấn bùn ướt (tương đương 937 tấn bùn khô) và 77.930 m3 nước thải.

Lượng chất thải này nếu không được xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường, suy giảm chất lượng nguồn nước, phát sinh dịch bệnh, từ đó làm giảm tính bền vững của nghề nuôi cá tra.

HINH-9194-1600166575.jpg

Các DN ngành tôm cần chọn nguyên liệu đạt chuẩn để tránh rủi ro xuất khẩu.

Có thể thấy, việc cải thiện chất lượng môi trường trong nuôi cá tra ở Việt Nam là rất cần thiết nếu không muốn ảnh hưởng đến xuất khẩu (XK), khi mà các quốc gia nhập khẩu (NK) ngày càng đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn.

Như cách đây 2 năm, Tổng cục Thực phẩm và Dược phẩm của Ảrập Xê út (SFDA) đã áp dụng lệnh tạm ngừng NK thủy sản có xuất xứ từ Việt Nam sau khi đoàn thanh tra thực tế của SFDA đến Việt Nam làm việc và kết luận một số cơ sở sản xuất, chế biến cá tra và tôm của Việt Nam không đảm bảo được các yêu cầu về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.

Và phải đến tháng 9/2020, với sự nỗ lực phối hợp giữa các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc thúc đẩy, vận động các cơ quan có liên quan phía Ảrập Xê út, SFDA mới cho phép 12 doanh nghiệp (DN) của Việt Nam được XK trở lại một số mặt hàng thủy sản đánh bắt vào thị trường Ảrập Xê út.

Từ động thái mới của phía Ảrập Xê út, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan làm việc, thúc đẩy SFDA bổ sung thêm các DN Việt Nam khác được phép XK thủy sản trở lại vào thị trường Ảrập Xê út, tiến tới gỡ bỏ hoàn toàn lệnh tạm ngừng NK thủy sản từ Việt Nam.

Không chỉ với thị trường Ảrập Xê út, giới chuyên gia cho rằng, 2 mặt hàng XK chủ lực của thuỷ sản Việt Nam là cá tra và tôm vẫn đang vấp phải những đòi hỏi ngặt nghèo của các quốc gia NK về vấn đề môi trường, an toàn dịch bệnh.

Như với thị trường EU, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản (Vasep) cho biết, thị trường này yêu cầu ngày càng cao đối với sản phẩm thuỷ sản NK về an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc, trách nhiệm môi trường, trách nhiệm xã hội, an sinh động vật.

Hướng đến sản xuất sạch hơn

Hoặc như thị trường Trung Quốc cũng đang tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh trong thuỷ sản NK. Chỉ có các DN và sản phẩm nằm trong danh sách được Trung Quốc phê duyệt mới được phép XK sang thị trường này.

Hay như thị trường Hàn Quốc có yêu cầu kiểm tra một số bệnh trên tôm NK (nấm Aphatomyces astaci, bệnh đốm trắng, đầu vàng, đuôi trắng, taura, hoại tử gan tuỵ trên tôm...), hoặc yêu cầu một chế độ xử lý nhiệt hết sức ngặt nghèo mà phía DN khó đáp ứng được.

Trở lại với thị trường Ảrập Xê út, từ năm 2016 đã thông báo đình chỉ NK tôm của Việt Nam do báo cáo OIE về bệnh đốm trắng và hoại tử gan tuỵ trên tôm. Đến năm 2017, SFDA thanh tra chuỗi sản phẩm cá tra của Việt Nam. Rồi đến năm 2018, SFDA đình chỉ NK các sản phẩm cá, giáp xác và sản phẩm thuỷ sản khác (kể cả khai thác) của Việt Nam.

Chính vì vậy, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, các DN thủy sản cần rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường nuôi trồng, sản xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản XK sang Ảrập Xê út, tránh để ảnh hưởng đến quá trình đánh giá hồ sơ của SFDA đối với các DN khác.

Việc này cũng góp phần hạn chế khả năng phía Ảrập Xê út xem xét áp dụng lại lệnh cấm NK đối với các sản phẩm thủy sản từ Việt Nam trong tương lai.

Đặc biệt, Ảrập Xê út là thị trường có vai trò đầu tàu tại khu vực Trung Đông, do đó các động thái chính sách của nước này có thể tạo ảnh hưởng đến các thị trường khác trong khu vực.

Tựu trung lại, để phòng tránh những rủi ro “cấm cửa” NK đối với thuỷ sản Việt, điều quan trọng là các DN thuỷ sản cần thực hiện nghiêm túc quy định của thị trường NK, phải đảm bảo an toàn thực phẩm, có chứng nhận của bên thứ 3, tiếp cận chuỗi cung ứng và hướng tới sản xuất kinh doanh sạch, bền vững, có trách nhiệm.

Chẳng hạn với ngành tôm. Theo TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta, người nuôi cần nỗ lực nâng cao kiến thức, kinh nghiệm nuôi sạch. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh trên tôm nuôi đang khá căng thẳng. Nhiều trang trại với mô hình nuôi sạch, thâm canh đã có kết quả rất tốt, nhưng mô hình này khó nhân rộng do đòi hỏi cao về vốn, kiến thức…

Về phía DN chế biến tôm XK, theo ông Lực, trước tiên phải quan tâm chọn lọc nguyên liệu đạt chuẩn, đừng vì ham rẻ sẽ ảnh hưởng lâu dài. Nếu tất cả cơ sở chế biến đều ý thức, tôm nguyên liệu xấu sẽ không tồn tại.

Thế Vinh