Kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt nhiều thách thức

00:00 12/10/2020

Mặc dù giữ được mức tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm, song kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm dự báo đối mặt nhiều thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp và khó đoán định trên thế giới. Với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm 2020 ở mức 3-4%, rõ ràng, Việt Nam sẽ phải nỗ lực vượt qua nhiều rào cản.

Hậu Covid-19, kinh tế Việt Nam mất bao lâu để hồi phục?

Bức tranh kinh tế sụt giảm trên mọi lĩnh vực

Trong nửa đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 1,81%, mức tăng trưởng này là chỉ số thấp nhất trong vòng hơn 1 thập  kỷ qua. Nguyên nhân là do suy giảm tăng trưởng diễn ra ở cả 3 khu vực kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2020, cụ thể là khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 1,19%, khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 2,98% và đặc biệt khu vực dịch vụ chỉ tăng 0,57%; trong đó quý 1 tăng 3,26% và quý 2 giảm 1,76%; nhiều phân ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, sụt giảm mạnh.

6 tháng đầu năm, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, tuy vậy, số liệu thống kê có thể chưa phản ánh đầy đủ khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp. 

"Trong điều hành kinh tế, Việt Nam cần 4 chữ "bớt" gồm: "bớt sợ trách nhiệm", "bớt sốt ruột", "bớt dè dặt" và"bớt sợ hết việc". Đơn cử, "bớt sốt ruột" ở đây là sốt ruột về tăng trưởng. Nếu mở rộng tài khóa tiền tệ thì chúng ta có tăng trưởng, nhưng sẽ có hậu quả lớn về lạm phát, về bất ổn vĩ mô, vì vậy, Thủ tướng cho biết hỗ trợ tài khóa, tiền tệ là cần thiết, nhưng lúc nào, liều lượng nào cho phù hợp phải nghiên cứu, đánh giá”.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp - CIEM

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), do giai đoạn các tháng đầu năm vẫn còn tương đối ngắn để thấy hết các hệ lụy của dịch và các doanh nghiệp ít nhiều đã có các giải pháp thích ứng với bối cảnh mới. Thống kê dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng hơn 1,3% trong quý 1 so với cuối quý 4/2019 và gần 1,5% trong quý 2 so với cuối quý 1/2020, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm 2016-2019. Nguyên nhân chủ yếu do đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đầu ra cho doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.

Trong nửa đầu năm, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch và tác động của dịch Covid-19 gây nên ảnh hưởng nặng nề hơn đối với người lao động dễ bị tổn thương và lao động nữ. Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm đạt 4,19%, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. Đồng thời, suy giảm hoạt động kinh tế dưới tác động của đại dịch Covid-19 gắn liền với suy giảm tăng trưởng đầu tư, theo đó tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 850,3 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm (tương đương 33% GDP), tăng 3,4%, thấp hơn tới 6,9% so với cùng kỳ 2019.

Tuy nhiên, bàn về các công cụ thúc đẩy tăng trưởng nửa đầu năm, liên quan đến khu vực DN tư nhân, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, bên cạnh nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân trong nước cũng được coi là một trong năm mũi “giáp công” nhằm giúp Việt Nam khôi phục tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tuy có suy giảm trong tốc độ tăng trưởng đầu tư khi chỉ tăng 4,6%, nhưng doanh nghiệp ở khu vực này tương đối chủ động thích nghi so với các khu vực kinh tế khác.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, GDP nửa đầu năm tăng trưởng thấp, nhưng cao hơn so với các nước ở khu vực châu Á. “Dư địa điều hành tài khóa và tiền tệ vẫn còn để có thể ứng phó với các kịch bản kinh tế trong thời gian tới. So với nhiều năm trước, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, kinh tế Việt Nam những năm gần đây đã thể hiện sức chống chịu tốt hơn rất nhiều”, bà Nguyễn Thị Hồng Minh nói.

Thận trọng trong đánh giá tình hình

Mới đây, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quyết tâm đạt tăng trưởng kinh tế 2020 ở mức 3-4%. Tuy nhiên, đây không phải là mục tiêu dễ dàng. 

Theo CIEM, trong nửa cuối năm 2020, đại dịch Covid-19 còn diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, có thể đặt các nền kinh tế, trong đó có những đối tác chủ chốt của Việt Nam cũng như chính Việt Nam trước những thách thức lớn cả về kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, tuy được đánh giá cao về kết quả phòng chống dịch và có cơ hội phục hồi kinh tế sớm, Việt Nam vẫn cần thận trọng trong đánh giá tình hình các tháng cuối năm, đồng thời thực hiện các nhóm giải pháp phù hợp để vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế, giữ mạch cải cách, vừa bảo đảm an sinh xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1%, tương đương 109,3% GDP. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 117,2 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu NSNN đến 15/6/2020 ước đạt 607,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,1% dự toán năm, giảm 8,1% so với cùng kỳ 2019. Tổng chi NSNN ước đạt 676,2 nghìn tỷ đồng, bằng 38,7% dự toán năm, tăng khoảng 10,4%.

CIEM dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2020. Theo đó, tăng trưởng có thể đạt mức 2,1% theo Kịch bản 1 và 2,6% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo giảm 3,1% trong Kịch bản 1 và giảm 1,9% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,7 tỷ USD và 2,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2020 lần lượt đạt 4,3% và 4,5%.

Nói về những khó khăn của kinh tế 6 tháng cuối năm, TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ lo ngại về vấn đề niềm tin của nhà đầu tư. “Hiện nhiều nhà đầu tư đang hoảng loạn không biết nên để vốn vào đâu cho an toàn và tâm lý phổ biến là mua tài sản có giá như vàng chứ không đem tiền đi đầu tư, do đó, không nên nghĩ tới việc vốn FDI sẽ “ào ào” vào Việt Nam. Bên cạnh đó, đứt gãy kinh tế còn kéo dài, nền kinh tế tổn thương nặng, DN yếu thì sự phục hồi sẽ khá lâu chứ không thể nhanh được”. Đồng thời, chuyên gia Bùi Quang Tuấn nêu quan điểm, tăng trưởng GDP 4% hay bao nhiêu không quan trọng, vì GDP tăng 3-4% thì phải dựa vào tín dụng và đầu tư công… điều này có thể sẽ gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế. Theo đó, giai đoạn hiện nay điều quan trọng nhất là phải làm sao để “bảo tồn quân số, bảo toàn lực lượng” để năm sau, lực lượng khỏe lên sẽ bắt đầu tấn công vào các cứ điểm. 

Bình luận về “cỗ xe tam mã” thúc tăng trưởng, trong đó có xuất khẩu, ông Bùi Quang Tuấn cho rằng, cầu thế giới đang giảm rất mạnh, ai cũng lo lắng về sự bất ổn nên rất tiết kiệm và giảm tiêu dùng, vì thế xuất khẩu giảm. Hiện chúng ta kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu làm trụ cột cho tăng trưởng, nhưng theo công thức tổng cung - tổng cầu thì đóng góp của xuất khẩu cho tăng trưởng Việt Nam 2020 cũng sẽ không nhiều. “Hiện nay đơn hàng của DN bị đứt hàng loạt. 6 tháng vừa qua mới chỉ là những khó khăn ban đầu, DN nào mất đi trong 6 tháng qua là DN yếu, nhưng tác động của Covid-19 tới DN trong 6 tháng tới mới là khủng khiếp”, chuyên gia này cảnh báo.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, trong nửa cuối năm, để đạt được tăng trưởng cao nhất, công tác điều hành vẫn phải gắn với việc cập nhật và đánh giá các kịch bản tăng trưởng. Đồng thời, Chính phủ vẫn cần giữ dư địa chính sách để ứng phó với các kịch bản trong giai đoạn hậu Covid-19. Theo đó, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn luôn là yếu tố nền tảng để củng cố niềm tin của DN và người tiêu dùng cũng như sự đồng thuận đối với các biện pháp cải cách và tái cơ cấu. Việt Nam cần tiếp tục thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, nội tại của nền kinh tế, như chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng, bất cập về hệ thống thông tin, thống kê cho điều hành trên không ít lĩnh vực, hay khả năng duy trì đà và “chất lượng” cải cách trên những lĩnh vực quan trọng như môi trường kinh doanh...

Hoài Anh