Kinh tế Việt Nam cần làm gì để bật dậy sau 'cú sốc 2 vòng'?

00:00 12/10/2020

Hiện nay, vấn đề các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm là sau đại dịch, nền kinh tế sẽ phục hồi như thế nào và Việt Nam sẽ làm gì để tận dụng cơ hội mới đó.

tang-truong-kinh-te-9258-1594785521.jpg

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 là 2,7%.

Theo các chuyên gia, việc khống chế được đại dịch Covid-19 đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia có sự phát triển tốt nhất trên thế giới hiện nay, đặt nền móng để phục hồi nền kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Nền kinh tế chịu "cú sốc kép"

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) đánh giá, mặc dù Việt Nam đang an toàn trước đại dịch, nhưng vẫn có những tác động xấu tới nền kinh tế. “Nếu đi vào nhà hàng vẫn thấy đông kín khách, nhưng khi vào một công ty sản xuất thì số lượng công nhân đang làm việc rất ít. Đó là hệ quả từ dịch bệnh”, ông Adam Sitkoff nói.

Theo Giám đốc điều hành Amcham tại Việt Nam, nửa cuối năm nay, mọi hoạt động sản xuất có thể chậm lại do đối tác của các doanh nghiệp Việt Nam từ nước ngoài đang chịu tác động từ đại dịch, nguồn cung và sức cầu sản phẩm không cao. Vì vậy, khó có thể dự đoán nền kinh tế sẽ phát triển ra sao trong cuối năm nay và năm tiếp theo.

Tuy nhiên, trong tháng 6 đã có những tín hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế như: ngành bán lẻ tăng 5,3%, trong khi tháng 4 tăng trưởng âm 26%; công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành du lịch đang có sự tăng trưởng mạnh... 

Điển hình là xu hướng người Việt đi du lịch trong nước tăng đến 85% so với thời điểm tháng 3 và tháng 4, hầu hết các chuyến bay nội địa đã kín khách. Dẫu vậy, vẫn chưa bù đắp được khoản hụt thu từ khách quốc tế.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Chính sách công và Quản lý Trường Fulbright, kinh tế Việt Nam chịu cú sốc kép: khủng hoảng cả nguồn cung (nguyên vật liệu) và cầu (giảm tiêu dùng).

Trong đó, cung và cầu đang bị “sốc 2 vòng”. Đó là: khi đại dịch bùng phát tại Việt Nam, các doanh nghiệp đóng cửa nhà máy, sau khi dịch được kiểm soát doanh nghiệp mở cửa trở lại thì có sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng. Tương tự, ở sức cầu, khi Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội, người dân ở nhà nên không mua sắm, tiêu dùng, nhưng đến lúc hết cách ly xã hội thì xảy ra tình trạng thất nghiệp, thu nhập giảm và làm giảm chi tiêu.

Vì vậy, một trong những chính sách ưu tiên hiện nay là cứu người lao động, cứu doanh nghiệp. Thực tế thời gian qua, Chính phủ đã ban hành đồng bộ chính sách theo hướng nới lỏng tài khoá và tiền tệ nên đã có tác động lớn cho nền kinh tế và thị trường lao động.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành, cùng với chính sách tài khoá như tăng chi hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vay tiền trả lương cho lao động, miễn giảm hàng loạt các loại thuế...

Theo ông Adam Sitkoff, một trong những vai trò quan trọng của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là làm việc với các ngân hàng thương mại để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đang gặp khó. “Trên chặng đường đi của doanh nghiệp cũng gặp “ổ gà”, nhưng quan trọng nhất là đảm bảo trong túi từng người lao động có tiền để họ giữ chân nhân viên”, ông Adam Sitkoff nhấn mạnh. 

Làm gì để tận dụng cơ hội?

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 được IMF dự báo là 2,7%, năm 2021 là 7,0%. Trong khi đó, theo dự đoán của các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giống như hình chữ V, việc phục hồi sẽ chậm, bởi cách ly và phục hồi sản xuất sẽ khó khăn hơn so với nhận định ban đầu.

Sức mua của thị trường nội địa sẽ phục hồi nhưng khó quay lại mốc tăng trưởng 12 - 13%, mà chỉ khoảng 5 - 6% vào cuối năm. Đặc biệt, trong quý III có thể hồi phục, nhưng quý IV sẽ sụt giảm do "thấm đòn" dịch.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu chậm lại, nhưng chưa phải là xấu. Chẳng hạn, ở một số lĩnh vực xuất khẩu đang có sự tăng trưởng khá như: điện tử tăng 24,2%, máy móc thiết bị tăng 25,2%. Trong khi đó, giày dép, may mặc, thuỷ sản giảm mạnh.

Ngoài ra, sức cầu xuất khẩu ở một số thị trường chủ lực của Việt Nam vẫn còn yếu như EU, ASEAN và Nhật Bản giảm mạnh tương ứng 8,8%, 14,2% và 2,3%.

Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, xuất khẩu không yếu đi quá nhiều do được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại và sự dịch chuyển bởi Covid, nên các đối tác tăng sản lượng, đơn hàng tại Việt Nam.

“Các nhà đầu tư kinh doanh ở Mỹ đều than phiền chính sách đầu tư ở Trung Quốc khắt khe, bất công và tạo bất lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy có sự dịch chuyển đầu tư sang các quốc gia xung quanh. Thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam”, ông Adam Sitkoff cho hay.

Các chuyên gia cho rằng, quan trọng hiện nay là Việt Nam sẽ làm gì để tận dụng cơ hội mới?

Theo ông Adam Sitkoff, Việt Nam cần tăng cường sử dụng nhà nước điện tử, thương mại điện tử, công nghệ, fintech, giảm thiểu việc dùng giấy và tiền mặt trong xã hội. Sớm có chính sách sử dụng ví điện thoại, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh chóng và hiệu quả hơn.

“Khi giảm thiểu chi phí vận hành và các bước triển khai công việc sẽ giúp môi trường đầu tư của Việt Nam thu hút hơn”, ông Adam Sitkoff nói.

Bên cạnh đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng bằng các dự án sạch cho môi trường, quản lý chất thải tốt hơn, tăng cường sử dụng phương tiện năng lượng sạch, cải thiện môi trường không khí, tạo ra môi trường tuần hoàn tốt sẽ giúp phát triển kinh tế tốt hơn, giúp thu hút đầu tư nước ngoài, tạo nhiều việc làm cho xã hội.

“Việc thu hút nhiều nhà đầu tư Mỹ sẽ tốt hơn cho nền kinh tế Việt Nam và con người Việt Nam. Đối với doanh nghiệp Mỹ, thành công của Việt Nam là rất quan trọng”, ông Adam Sitkoff cho hay.

Thanh Hoa