Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: tạo bước nhảy vọt cho sự phát triển kinh tế - xã hội

00:00 12/10/2020

Khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức liên ngành của phát triển bền vững, là công cụ quan trọng (cùng với tài chính, thương mại, xây dựng năng lực…) để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, khi chúng ta xây dựng “chính phủ kiến tạo” thì càng cần sự hiện diện của KHCN, ĐMST. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thúc đẩy doanh nghiệp phát triển những yếu tố đó, nhất là áp dụng số hóa…

Khoa học công nghệ có vai trò quan trọng trong quá trình CNH - HĐH

Góc nhìn đa chiều về KHCN và ĐMST ở Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam" do Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA) đồng tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sáng tạo phải từ con người và vì con người. Người Việt Nam có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước và tâm huyết đóng góp vì sự phồn thịnh của đất nước.

 "Năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của chúng ta còn hạn chế và hệ thống ĐMST quốc gia còn non trẻ, manh mún. Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu, nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao; thiếu sự kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực kinh doanh. Chúng ta cũng chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt, hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia", Thủ tướng cho biết.

Cả khu vực Nhà nước và tư nhân, chi cho KHCN của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%). Thủ tướng nêu rõ, nếu không mạnh dạn đầu tư cho KHCN và ĐMST, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta. Do vậy, cả Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho KHCN và ưu tiên chi cho KHCN một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn. Chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, không làm theo phong trào, gây lãng phí, ứng dụng thấp…

 Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh: Khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính sách về khoa học và công nghệ đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới. Hệ thống ĐMST quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội; tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được củng cố; thị trường khoa học và công nghệ bước đầu gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Bà Sarah Pearson - đại diện Liên minh Sáng tạo và Phát triển Quốc tế (IDIA) cho rằng,Việt Nam đã có những thành công nhất định trong ĐMST. Đây là những công cụ hữu ích hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam trong 40 năm qua. Qua quá trình gặp gỡ, trao đổi với các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, tôi rất ấn tượng với tham vọng, tầm nhìn và những ý tưởng sáng tạo của người Việt trong kỷ nguyên công nghệ số.

Còn TS. Lucy Cameron - Tư vấn nghiên cứu cao cấp, CSIRO cho biết, Việt Nam có vị thế phù hợp để thúc đẩy kinh tế số. Chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam đến năm 2045. Bà cũng nhận định, tăng trưởng của Việt Nam khá nhanh và toàn diện, chỉ sau Trung Quốc và có nền tảng phù hợp để chuyển đối số.

Theo tiến sĩ Lucy Cameron, trước đây Việt Nam gia tăng sản xuất, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy dựa trên tăng trưởng truyền thống. Tuy nhiên, để bứt phá cần chú trọng đến công nghệ cao, tập trung vào phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với những định hướng mới. Nhiều doanh nghiệp Việt đã tận dụng tốt những nền tảng công nghệ như Vietnam Airlines dùng máy bay không người lái, công nghệ thực tế ảo tăng cường hiệu quả hoạt động. Bà nhận định, xuất khẩu Việt Nam đạt được nhiều thành tựu. Tại những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM đã xuất hiện nhiều xu hướng lớn như công nghệ số, có thể tạo hình thù cho nền kinh tế; quốc tế hóa: sự hội nhập kinh tế cũng ngày càng hiệu quả hơn qua các hiệp định thương mại tự do chứng tỏ Việt Nam ngày càng có sự gắn kết hơn với nền kinh tế thế giới.

Là chủ doanh nghiệp tư nhân nhiều năm hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Thế Trung, CEO Công ty Công nghệ DTT đã nhắc lại câu chuyện cũ cách đây 15 năm, khi đó Thủ tướng Chính phủ là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã chỉ đạo "Cải cách hành chính là điều kiện để phát triển đất nước". Qua nhiều năm phát triển Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo đo lường hai chỉ số là "tạo công ăn việc làm nhờ sáng tạo ra công nghệ mới áp dụng vào sản xuất" và "việc áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào các bộ, ngành và địa phương" như là những chỉ số đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Dưới góc độ là Giám đốc quốc gia Ngân hàng Quốc tế tại Việt Nam ông Ousmane Dione nhận định, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng dựa trên năng suất là yêu cầu cấp thiết, điều này đặt biệt đúng trong bối cảnh của Việt Nam. Ngoài ra, những cải cách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đòi hỏi tiếp cận toàn diện hệ thống đổi mới quốc gia, tập trung vào nâng cao năng lực chính phủ, cơ chế ưu đãi từ bên ngoài và nội bộ doanh nghiệp. Vị đại diện đưa ra nghịch lý đổi mới, cụ thể là tại các quốc gia tụt hậu về công nghệ và thể chế, doanh nghiệp và năng lực chính phủ yếu hơn, chính sách đổi mới thông thường tỏ ra không hiệu quả. Ông Dione so sánh quá trình này tương tự như quá trình đầu bếp chế biến các món ăn. Các món bánh suffle, pancake đều không thể hoàn thành nếu đầu bếp thiếu kỹ năng và không đủ các loại nguyên liệu chất lượng. Do đó, "đổi mới sáng tạo cũng như năng suất đóng vai trò rất quan trọng", ông nói và cho rằng sự phát triển của Việt Nam những năm qua rất ấn tượng, tuy nhiên còn thấp so với những "con hổ" trong khu vực… "Đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ rất quan trọng với Việt Nam", ông Dione đặc biệt nhấn mạnh.

 Phát triển KHCN và ĐMST ở một số nước trên thế giới

Chia sẻ về mức độ phát triển KHCN của Australia và các chính sách để đưa xứ sở chuột túi thành đất nước công nghệ, ông Stefan Hajkowicz - Nhà khoa học cao cấp CSIRO cho biết: Để phát triển công nghệ, Australia đã thành lập Trung tâm ĐMST về số Data61 với 1.000 nhân viên, 80 đối tác chính phủ, 120 đối tác phi chính phủ... Trong quá trình hoạt động, trung tâm này đã tạo ra hơn 200 dự án liên quan đến công nghệ, 170 bằng sáng chế. Mục tiêu của Data61 là sử dụng KHCN cao để giải quyết các thách thức số, phát triển kinh tế đất nước của Australia. Ông cho rằng, nhờ khoa học công nghệ, con cháu đời sau sẽ được hưởng lợi.

“Công nghệ số đem lại cơ hội song cũng tạo ra không ít thách thức. Sự chuyển hướng phát triển của ngành kinh tế số, dự kiến đóng góp từ 10 đến 20 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu đến năm 2025. Công nghệ số cũng giúp nâng cao năng suất lao động, tạo ra tài sản, thúc đẩy tăng trưởng Australia. Ông lấy ví dụ về việc lắp đặt 2.400 cảm biến cho cầu Habour ở Sydney. Cùng với các chương trình học máy và phân tích dự báo, hệ thống có thể dự báo chính xác thời gian và vị trí trước khi sự cố xảy ra. Hệ thống giúp cây cầu trở nên an toàn hơn và cũng tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, Australia còn phát triển công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo và học máy. Đây là những công nghệ đột phá nhằm đẩy mạnh khoa học công nghệ”, ông Stefan Hajkowicz chia sẻ.

Còn tại Thụy Điển, ông Alan Atkisson - Phó Tổng Giám đốc SIDA chia sẻ: Trong hơn một thập kỷ qua, Thụy Điển dành 3,5% GDP để phát triển đổi mới sáng tạo trong một thập kỷ. Dành nguồn lực để phát triển quốc tế sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác quốc tế, tăng cường đổi mới sáng tạo. Ông mong muốn điều này sẽ được phản ánh qua việc hợp tác 3 bên để tạo ra mục tiêu chung thống nhất. Đầu tiên, Thụy Điển đảm bảo nhân lực được huy động đầy đủ thông qua Internet và radio. "Nếu không huy động phụ nữ thì bỏ qua 50% lực lượng lao động", ông Alan Atkisson nói và cho rằng cần huy động nhóm người trẻ tham gia các cuộc thi về đổi mới sáng tạo. "Chúng ta cần phân biệt hệ thống và con người trong hệ thống đó. Nếu không có nguồn nhân lực tốt, được đào tạo bài bản thì hệ thống đó cũng không hiệu quả...Hiện Thụy Điển tập trung vào 17 mục tiêu lâu dài và các mục tiêu phát triển cũng lồng ghép trong các hoạt động của mình.

 Trong khi đó, ông Kym Dongwha - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc chia sẻ thông điệp: Khi xác định được định hướng thì phải đi tới tận cùng và các nước cần có viện nghiên cứu hùng mạnh để hiện thực hoá công nghệ. Ông cũng đưa ví dụ về câu chuyện phát triển của Hàn Quốc. "Chúng tôi đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển công nghệ, những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông. KITS là Viện Khoa học Công nghệ Hàn Quốc, sau đó có thêm ETRI. Khi đó, chúng tôi tập trung vào ba phần: memo call, công nghệ TDX, CDMA", ông chia sẻ.

Memo call là công nghệ đầu tiên Hàn Quốc được xây dựng dành cho đường dây nóng tại Nhà Xanh có bảo mật. Tiếp đó là công nghệ TDX, được xây dựng vào những năm 80. Đây là giai đoạn phát triển chậm do tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc bị chững lại. Kế hoạch này kéo dài 5 năm, tập trung vào điện tử và ngành công nghệ thông tin - một trong những trụ cột chính. Việc xây dựng này xảy ra đồng thời với kế hoạch viễn thông "mỗi gia đình Hàn Quốc chỉ có một điện thoại". Sau đó, Hàn Quốc phát triển công nghệ CDMA - một phần quan trọng, góp phần mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển công nghệ thông tin truyền thông tại Hàn Quốc. CDMA được thương mại hoá từ năm 1991-1996 nhờ sự hợp tác với ETRI và Qualcomm.

"Tại sao cần viện nghiên cứu công nghiệp?". Trả lời câu hỏi này, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc cho biết, viện nghiên cứu công nghiệp sẽ là nhà cung cấp giải pháp công nghệ và sản xuất; là công cụ cho quan hệ đối tác công- tư (PPP); là công cụ đàm phán để nhập khẩu công nghệ và là nguồn đào tạo nhân lực công nghệ cho nước nhà.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “đặt hàng” 5 vấn đề lớn cho Bộ Khoa học và Công nghệ

Một là, đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp. Coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Phát triển mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Hai là, phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo. Cần nhất là gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của nền kinh tế.

Ba là, thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước Ở nước ngoài các trung tâm kết nối trí tuệ đóng vai trò lõi ở các thành phố thông minh và bền vững. Vậy ở Việt Nam phải làm như thế nào? Các Trung tâm ĐMST của Bộ KH&CN, KH&ĐT, Bộ TTTT suy nghĩ về việc này như thế nào?

Bốn là, xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo và hoàn thiện thể chế cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Năm là, tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin,...

Ông Craig Chittick Đại sứ quán Úc tại Việt Nam: Australia và Việt Nam là đối tác chiến lược, dựa trên ba nền tảng là quan hệ đối tác về an ninh, quan hệ đối tác về kinh tế và quan hệ đổi mới sáng tạo. Đại sứ Australia tin tưởng trên cơ sở hợp tác chặt chẽ và liên tục cùng những bài học khuyến nghị và báo cáo trong hội nghị sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho người dân Việt Nam. Hội nghị là cơ hội để làm nổi bật mối quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo giữa Australia và Việt Nam. Hy vọng, trong ba năm tới, mối quan hệ giữa hai nước sẽ được thúc đẩy, tăng cường phối hợp về chính sách, đưa giải pháp về mặt chính sách, giải quyết thách thức về mặt kinh tế, tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực mới, giúp cả hai nước hướng đến tương lai số. Khi mối quan hệ chặt chẽ hơn tôi mong muốn nhiều bạn sẽ đến với Australia.

Ông Joshua Tabah Tổng Giám đốc Cơ quan Hợp tác Phát triển Canada

Canada là một trong những nền kinh tế dẫn đầu về dữ liệu. Chúng tôi được đầu tư về giáo dục, khoa học, trong đó, đặc biệt là sự đầu tư dành cho trẻ em gái và phụ nữ để từ đó thấy được tầm quan trọng trong việc phát triển tiềm năng của mọi người. Đó cũng là một mục tiêu trong quá trình bình đẳng giới của Canada. Việt Nam đang chuẩn bị đổi mới, cũng cần để phụ nữ và trẻ em gái được tham gia vào quá trình này. Trong quá trình đổi mới, Canada cũng gặp những khó khăn nhưng đã có những giải pháp riêng, trong đó có việc nhận hỗ trợ vốn từ Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ Canada cam kết đổi mới sáng tạo bằng cách xây dựng các chính sách dựa trên sự tham vấn với các tổ chức cộng đồng, nhà nghiên cứu... Việc chia sẻ dữ liệu mở có vai trò quan trọng trong cả khu vực công và tư, Việt Nam có thể cân nhắc điều này.

Bà Alix Zwane Ceo Quỹ Đổi mới sáng tạo toàn cầu

 Quỹ Đổi mới sáng tạo toàn cầu của là quỹ dành cho các nền kinh tế mới nhằm hỗ trợ các sáng kiến giúp các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ tài chính từ Mỹ, Anh, Thụy Điển, Australia. Việt Nam khó thu hút nguồn vốn đúng thời điểm, chúng tôi có 1 số giải pháp đáp ứng nhu cầu này thông qua chuyển đổi công nghệ cho toàn bộ hệ thống, đảm bảo phát triển bền vững. Quỹ đang đẩy mạnh đầu tư vào y tế, dược phẩm nhằm kết nối các bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân tăng cường năng lực của ngành...80.000 cơ sở dược phẩm và hàng nghìn khách hàng được kết nối tạo ra nền tảng cho phép các đơn vị dễ dàng tiếp cận và cải thiện dịch vụ. Mô hình này có thể hỗ trợ chính phủ Việt Nam, tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp của Việt Nam.

Ông Ben Kumpf Giám đốc Đổi mới sáng tạo, Bộ Phát triển quốc tế, UK AID

Nhà đổi mới luôn có ý tưởng sáng tạo nên họ cần có khả năng tiếp cận nguồn lực để biến tầm nhìn thành hiện thực. Chính phủ cần có thông lệ tốt nhất phù hợp với từng địa phương. Nước Anh cũng đưa ra các dự án thí điểm tại các địa phương và đánh giá hiệu quả của việc đổi mới. Nếu kết quả tốt, các cơ quan sẵn sàng mở rộng còn nếu không phù hợp thì thay đổi.Tiếp đó, cần nâng cao năng lực người dân. Trong bối cảnh mọi thứ diễn ra nhanh chóng, người dân có thể tiếp cận tri thức nhanh chóng và nhiều đổi mới sáng tạo do người dân sáng lập. Năng lực sử dụng có vai trò quan trọng, tiền đề để phát triển năng lực của người dân. Hiện tại, Anh cũng tạo ra mã nguồn mở cho người dân để họ có thể tiếp cận thông tin và đưa ra những ý kiến mới. Các quốc gia cần phát triển quy định để đổi mới sáng tạo. Nếu không có quy định phù hợp với những ý tưởng mới, chúng ta không thể tăng cường đổi mới sáng tạo. Điều này đòi hỏi cần có sự tham gia của Chính phủ và khu vực tư nhân.

Ông Denis Brunetti Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào

Nền kinh tế số hiện nay của Việt Nam đã tăng găp 3 lần so với những năm vừa qua. Thông qua di động, kỳ vọng mạng 5G sẽ làm tăng trưởng vượt bậc nhiều lĩnh vực khác. Việc phát triển hệ thống 5G tại Việt Nam cùng các nước khác và hợp tác cùng các bộ là nền tảng để thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0. Cần đổi mới sáng tạo, nhất là với các nghề nghiệp, với khởi nghiệp. Về giáo dục, cách mạng 4.0 khác với các cuộc cách mạng trước đây, chúng ta có ít thời gian nhảy vọt, chúng ta cần nâng cao năng lực thông qua công nghệ khoa học. Chúc mừng Thủ tướng Việt Nam, Chính phủ Việt Nam có những cam kết đưa dữ liệu trở thành một trong những độngj lực phát triển kinh tế xã hội.

An Thảo – Thu Giang

Tags: