Hồi sức nền kinh tế: Mệnh lệnh tức thì!

00:00 12/10/2020

Không để doanh nghiệp “chết” trước khi nhìn thấy dịch bệnh được khống chế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không để doanh nghiệp “chết” trước khi nhìn thấy dịch bệnh được khống chế.

Dù được khống chế thành công bước đầu nhưng dịch COVID-19 đã gây ra những tác động nặng nề cho kinh tế TP.HCM. Thống kê cho thấy, trong quý I/2020, TP.HCM có hơn 1.350 doanh nghiệp giải thể, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thành phố đang đưa ra rất nhiều giải pháp để vực dậy nền kinh tế đang bị tê liệt sau thời gian giãn cách xã hội. Một trong những giải pháp quan trọng được ưu tiên thực hiện là ngăn không để doanh nghiệp phá sản. Chống dịch hiệu quả là bước đi quan trọng để khôi phục kinh tế nhưng quan trọng không kém là không để doanh nghiệp “chết” trước khi nhìn thấy dịch bệnh được khống chế.

“Doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, lưu trú, vận tải, trung tâm thương mại, y tế, giáo dục... phải tạm ngừng hoạt động để chống dịch. Các doanh nghiệp cơ khí, điện, cao su, nhựa, công nghiệp hỗ trợ, đồ gỗ, dệt may, da giày... không phân biệt quy mô lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ đều đã cạn kiệt các nguồn lực kinh doanh, thiếu nguyên liệu đầu vào sản xuất, xuất khẩu bị đình trệ, giảm đơn hàng, chậm thanh toán, dòng tiền kinh doanh bị bẻ gãy, nguy cơ mất tính thanh khoản cao”, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết. Ông cũng dự báo sang quý II, tình hình suy giảm sẽ nghiêm trọng hơn, nguy cơ số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, phá sản tăng cao.

Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho biết Viện đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng của TP.HCM năm 2020. Theo đó, trong tình huống xấu nhất theo kịch bản cơ sở, Thành phố chỉ tăng trưởng ở mức 2,5%. Khi kinh tế thế giới bắt đầu rơi vào suy thoái, kịch bản tiêu cực có lẽ là phương án cần được chuẩn bị để ứng phó với những cú sốc mới.

Để ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp, TP.HCM đang đưa ra các biện pháp: Hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động (tháng 5, 6); hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhắm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân...

Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh đến việc tạo ra sự thông thoáng trong chính sách cũng là một giải pháp quan trọng cần được thực hiện. “Vẫn còn các yếu tố tác động khác đối với sự phục hồi của kinh tế TP.HCM, nhưng do điều kiện kỹ thuật mà không được xem xét trong mô hình. Nổi lên trong đó là tầm quan trọng của việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ Thành phố thực hiện vai trò trung tâm kinh tế của cả nước”, ông cho biết.

Theo đại diện của HUBA, có đến 61% doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận chính sách chưa được thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp rất khó khăn khi tiếp cận các ưu đãi, điều kiện vay... vì thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà.

Nhóm doanh nghiệp tư nhân đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, gồm phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đơn vị cá thể, hộ kinh doanh gia đình... Đặc điểm của khu vực này là quy mô rất nhỏ, lại linh hoạt hơn để thích ứng với những cú sốc. Đồng thời, khu vực này lại ít tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp thuộc khu vực FDI nên nếu dịch chấm dứt ở Việt Nam cũng sẽ ít lệ thuộc vào tình hình dịch bệnh phức tạp của thế giới.

Sự hồi phục nhanh chóng của khu vực doanh nghiệp sẽ đóng góp lớn vào việc kéo thu nhập của đại đa số người lao động tăng trở lại... Tuy nhiên, điều quan trọng trong lúc này là các gói hỗ trợ phải đến được tay doanh nghiệp và được sử dụng hiệu quả. Dịch bệnh cũng là cơ hội để thay đổi chính sách không chỉ để cứu nhóm doanh nghiệp này khỏi phá sản, mà còn tạo ra sức đột phá mới cho họ thông qua các chính sách. 

Doanh nghiệp rất cần chính quyền thành phố đồng hành để ổn định thị trường, tái cấu trúc thị trường, tiếp cận thị trường mới, mở rộng thị trường nội địa, chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu vào thị trường ngoại khi các nước nới lỏng cách ly xã hội. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa; chú trọng chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước khác sang Việt Nam.

Vết thương do đại dịch gây ra không chỉ sâu, mà còn rộng. Tâm lý lo sợ của người dân sẽ là một trong những rào cản khiến hoạt động kinh tế khó trở lại bình thường. Hậu dịch bệnh, hoạt động thương mại, việc làm sẽ giảm đáng kể và sự phục hồi kinh tế sẽ không giống như những giai đoạn từng trải qua trong quá khứ. Phải có những giải pháp đột phá, thoát khỏi lề lối cũ, chúng ta mới có thể phục hồi nền kinh tế đang bị tổn thương nặng nề. Với thủ tục hành chính, không chỉ là giảm quy trình mà còn có thể cho dự án ưu tiên có thể được đăng ký thực hiện, đồng thời kết hợp hậu kiểm, xử lý nghiêm sai phạm.

Hoàng Hà