Đừng tự lấy đá ghè chân

00:00 12/10/2020

Theo phản ánh từ các hiệp hội ngành hàng, hệ thống chính sách pháp luật trong nước đang làm khó DN, nhà đầu tư (NĐT) khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn đặt ra còn cao hơn so với yêu cầu của thị trường nước ngoài. Vì vậy cần sửa đổi chính sách cho phù hợp, hài hòa với hệ thống pháp luật quốc tế để tránh tình trạng “tự lấy đá ghè chân mình”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cơ quan quản lý vẫn muốn ôm đồm

Nhắc lại câu chuyện gây nhiều ồn ào xung quanh quy định về mã số mã vạch đối với sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) than phiền, nhiều chính sách trong nước đang đặt ra điều kiện tuân thủ quá cao đối với DN trong nước và điều này có thể gây ra rủi ro trong hội nhập. Nhớ lại, đúng vào dịp cộng đồng DN thủy sản đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, VASEP đã liên tục nhận được phản ánh về bất cập liên quan đến quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì các hàng xuất khẩu.

Theo đó, để có được đầy đủ các giấy tờ và hoàn tất được thủ tục đăng ký mã số mã vạch nước ngoài, nhiều DN phải mất 20-30 ngày mới xuất khẩu được lô hàng. Yêu cầu này không chỉ làm phát sinh chi phí mà còn khiến DN khó khăn hơn rất nhiều trong việc tìm kiếm khách hàng. 

Điểm vô lý của quy định này là mã số mã vạch chỉ có 3 thông tin quan trọng để các hệ thống phân phối quản lý nguồn hàng nhập vào. Việc cơ quan quản lý đòi DN đăng ký mã số mã vạch chẳng khác nào muốn với tay ra khỏi biên giới trong nước để quản lý hàng hoá đến tận tay người tiêu dùng nước ngoài.

“Các DN trong ngành chúng tôi đã nỗ lực biết bao nhiêu để chế biến sâu ngay ở Việt Nam và nhà nhập khẩu có thể xếp ngay hàng lên kệ siêu thị, không cần đóng gói ở nước thứ 3 nữa, thì lại đẻ ra yêu cầu kiểm tra mã số mã vạch, gây rất nhiều ngáng trở”, ông Nam chia sẻ. 

Một vấn đề khác đã tồn tại từ lâu là tiêu chuẩn về môi trường. Theo các DN trong ngành, xuất khẩu thuỷ sản là ngành sản xuất không có chất vô cơ. Tuy nhiên cơ quan quản lý môi trường lại lấy quy chuẩn của ngành sản xuất vô cơ để áp vào hàng thuỷ sản. Đơn cử như năm 2012, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đặt chỉ số photpho trong nước sau xử lý ở mức 6, trong khi các quốc gia khác phổ biến ở mức 30-40. Sau nhiều lần các thành viên VASEP kiến nghị, ngưỡng này tăng gấp 3 lần song các DN trong ngành vẫn không thể đáp ứng được, dẫn đến tình trạng hàng loạt DN bị phạt tiền nặng. “Quy định như vậy làm khó cho DN rất nhiều, vì trong ngành này, DN chỉ cần có vết đen về vi phạm môi trường là ngừng hợp đồng lập tức”, ông Nam phân trần. 

Hiện nay, nhiều ngành hàng xuất khẩu trong nước như dệt may, da giày, thuỷ sản… vẫn đang tận dụng lợi thế lao động giá rẻ. Tuy nhiên có những vấn đề về chính sách lao động lại đang làm khó DN. Lãnh đạo một DN dệt may cho hay, có những văn bản là quy định tạm thời từ cách đây 20 năm, nhưng bây giờ vẫn có hiệu lực bình thường, do nhiều văn bản đã ra về sau lại không có quy định thay thế hay phủ nhận các quy định trước kia.

Vướng mắc nhất hiện nay là theo pháp luật trong nước, DN không được phép sử dụng lao động dưới 18 tuổi. Trong khi đó theo công ước của ILO, lao động dưới 18 tuổi vẫn có thể làm một số công việc phù hợp, không độc hại, nặng nhọc. Hệ quả là đã có nhiều trường hợp nhà nhập khẩu nước ngoài sang khảo sát và hủy đơn hàng vì cho rằng DN không làm đúng quy định của pháp luật trong nước khi tuyển dụng lao động dưới 18 tuổi. 

Vướng mắc do luật tốt nhưng thực thi kém

Khảo sát của Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI cũng đã chỉ ra thực trạng là cơ quan quản lý nhà nước đã đặt ra tiêu chuẩn quá cao về quy trình sản xuất đối với một số ngành nghề. Đáng nói là ngay cả các tiêu chuẩn của FTA cũng không đặt ra cao như vậy.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập dẫn chứng, CPTPP không áp đặt tiêu chuẩn môi trường tối thiểu phải tuân thủ cho các nước thành viên, mà chỉ đặt ra các cam kết mang tính nguyên tắc, định hướng. Theo đó, các nước phải có hệ thống pháp luật đầy đủ về môi trường, theo hướng nâng cao dần mức độ bảo vệ môi trường và phải thực thi hiệu quả và nghiêm túc pháp luật đó; cam kết không vì mục tiêu khuyến khích thương mại, đầu tư mà giảm nhẹ hiệu lực pháp lý của các quy định về môi trường. Vì vậy, hiện nay các nhà nhập khẩu nước ngoài vẫn căn cứ vào chính hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn đặt ra trong nước để đánh giá chất lượng của các DN xuất khẩu trong nước. 

Với thực trạng hiện nay, có thể thấy rằng chính các quy định của pháp luật trong nước lại đang làm khó DN nhiều hơn luật quốc tế. Theo các chuyên gia, việc hoàn tất đàm phán, ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội cho các ngành kinh tế, tuy nhiên cùng với đó, thách thức cạnh tranh cũng gia tăng tương ứng. Trong bối cảnh này, việc tìm kiếm chính sách hỗ trợ phù hợp với các cam kết, tạo điều kiện để các ngành kinh tế trong nước tận dụng cơ hội thị trường, cạnh tranh được với các đối tác mạnh từ bên ngoài… là rất quan trọng.

Ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản pháp luật, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, trên thực tế nhiều vướng mắc phát sinh không phải do nội dung của luật mà chính là do kỹ năng áp dụng pháp luật. Dù luật ban hành cho người dân, DN; nhưng không phải ai cũng được đào tạo để hiểu được đúng và bài bản. Vì vậy trên thực tế đã dẫn tới vướng mắc do 2 vấn đề. Thứ nhất, quy định sau khi ban hành đã trái quy định trước đó của pháp luật trong nước hoặc vênh với luật nước ngoài; Thứ hai, do đơn vị thực thi hiểu sai quy định của pháp luật. 

“Nhiều trường hợp chúng tôi nhận kiến nghị dài hàng trăm trang mà cuối cùng là do hiểu sai luật. Hoặc nhiều trường hợp luật thì tốt hiểu thì đúng, nhưng do khâu tổ chức thi hành yếu nên dẫn đến bất cập”, ông Ba chỉ ra thực tế. Vì vậy, hiện nay các cơ quan ban hành pháp luật đang chuyển trọng tâm chiến lược từ hoàn thiện thể chế sang tổ chức thi hành, trong đó có cả vấn đề cải thiện năng lực cán bộ công chức, đạo đức công vụ…

Khanh Đoàn