Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sang EU

00:00 12/10/2020

Bộ Công Thương vừa có hướng dẫn chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU để được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Đối với các lô hàng từ Việt Nam xuất khẩu vào EU có giá trị không quá 6.000 Euro thì bất kỳ nhà xuất khẩu nào, doanh nghiệp nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Sau đó, thương nhân có trách nhiệm báo cáo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu và khai báo trên web: ecosys.gov.vn. Đây là nội dung chính trong văn bản Bộ Công Thương gửi các Hiệp hội ngành hàng và thương nhân xuất khẩu để hướng dẫn về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa vào thị trường EU.

Riêng với hàng hóa xuất khẩu sang Anh, các thương nhân chỉ kê khai C/O mẫu EUR.1 hoặc phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ đến hết 31/12 năm nay.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM, đơn vị này luôn tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo để hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt, triển khai về C/O. Ngoài ra, để thuận lợi hóa thương mại, Bộ Công Thương cũng đang triển khai hoạt động cấp C/O theo hướng đơn giản hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh việc cấp C/O qua Internet.

Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sang EU - Ảnh 1.

Các lô hàng Việt Nam xuất khẩu vào EU có giá trị không quá 6.000 Euro, DN nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Sau khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy có thể nói, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (7 năm).

Đổi lại, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO hoặc không cam kết.

Vân Anh.